Recent comments

ads header

Chủ đề "hot"

Nhớ lại những ngày tháng Tám hào hùng

Đúng ngày này cách đây 69 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời hiệu triệu của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước đã vùng đứng lên làm cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc. Đặc biệt, ngày 19/8/1945, cách mạng thành công tại thủ đô Hà Nội đã có một ý nghĩa vô cùng lớn lao, Hà Nội đã trở thành ngọn cờ đầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành thắng lợi trong cả nước. 69 năm đã qua đi, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại những ngày tháng hào hùng đó.
 Hình ảnh có liên quan
 Quần chúng nhân dân Hà Nội biểu tình và chiếm phủ Khâm Sai, ngày 19/8/1945
(Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa
Sau Đại hội Quốc dân (ngày 16/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa.
Trong thư, Người thiết tha kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.
Tiến lên! Tiến lên? Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
 Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam ra hiệu triệu
Ngày 16/8/1945, Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra đời tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Sau khi thành lập, Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam ra lời hiệu triệu tới toàn thể nhân dân và các đoàn thể Cứu quốc, trong đó nhấn mạnh: “Ngày vĩ đại và quyết liệt của dân tộc ta đã đến. Chúng ta hãy vùng dậy tuốt gươm, lắp súng để định đoạt lấy số phận của mình. Chúng ta quyết thắng và sẽ thắng!”.
NGÀY 17/8/1945: Cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội
Trong không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục ở Hà Nội, cuộc mít tinh do Tổng hội Công chức được tổ chức ở Quảng trường Nhà hát lớn vào chiều ngày 17/8/1945.
Từ nhiều nguồn chỉ đạo, các tổ chức Cứu quốc ở nội, ngoại thành và một số huyện, phủ ở Gia Lâm, Hà Đông sát với Hà Nội đã bí mật huy động quần chúng đến tham dự, đưa tổng số người tham gia mít tinh lên tới hàng vạn, tràn ngập trước và xung quanh Nhà hát lớn. Các hội viên tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong được bố trí trong quần chúng đợi lệnh sẵn sàng hành động.
Cuộc mít tinh do Tổng hội Công chức tổ chức trở thành cuộc mít tinh tuần hành ủng hộ Việt Minh có một ý nghĩa rất to lớn đối với cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội.
Trên cơ sở phân tích những nhân tố được thể hiện qua cuộc mít tinh, Uỷ ban Khởi nghĩa Hà Nội họp và ra một quyết định lịch sử: khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945.
NGÀY 19/8: Cách mạng Tháng Tám thành công tại Thủ đô Hà Nội
Sau một thời gian chuẩn bị rất ngắn, Xứ uỷ Bắc Kỳ, Thành uỷ Hà Nội đã phát động nhân dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền vào ngày 19/8/1945.
Ngay từ sáng sớm, Hà Nội đỏ rực màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng, Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành.
Hàng vạn quần chúng nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Đông), Gia Lâm (Bắc Ninh) mang theo cờ Việt Minh, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm tiến vào nội thành với sức mạnh như thác đổ. Tất cả đều tập hợp trước Nhà hát lớn. Cả Thành phố Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", “Chính quyền nhân dân cách mạng", "Cách mạng thành công muôn năm", "Lập uỷ ban dân quân cách mạng", “Việt Nam hoàn toàn độc lập", “Đả đảo các cuộc xâm lăng", “Đả đảo mọi thế lực chống cách mạng Việt Nam”, “Chống xâm lăng"...
Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát lớn, Uỷ ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị võ trang tự vệ dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát... Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân. Riêng ở trại lính bảo an, quân Nhật cho xe tăng chặn đầu đoàn biểu tình, nhưng trước khí thế sôi sục của quần chúng, lại được các đồng chí ta thuyết phục, nói rõ chính sách của Đảng, Việt Minh, chúng phải rút lui. Ngay khi chiếm được Phủ Khâm sai, đồng chí uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ có mặt tại đó gọi điện cho Thị trưởng, Tỉnh trưởng các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định báo tin cách mạng đã thành công ở Hà Nội, ra lệnh cho chúng phải nhanh chóng trao chính quyền cho Việt Minh địa phương. Tối ngày 19/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi.
Ngày 20/8, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập, Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ cũng được tổ chức.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn lao.
Suốt hơn nửa thế kỷ, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân trên đất nước ta.
Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội là một đòn chí mạng giáng vào chính quyền tay sai Nhật ở hầu khắp cả nước, đẩy chúng đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, tan rã và đầu hàng cách mạng.
Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội như một tiếng bom vang dội nhanh chóng lan truyền khắp nơi, động viên, cổ vũ nhân dân cả nước gấp rút nổi dậy giành chính quyền. Gần như toàn bộ các tỉnh miền Bắc đến Thanh Hoá, Nghệ An đều tiếp theo Hà Nội tiến hành khởi nghĩa. Quân đội chính quyền Trung Hoa dân quốc mới vào tỉnh lỵ ở thượng du, thì tất cả các vùng trung du, châu thổ đã rợp bóng cờ cách mạng. Chính quyền về tay nhân dân.
Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chuyển đại bản doanh về Hà Nội, từ đó chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, chuẩn bị các điều kiện đón tiếp quân Đồng minh.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội còn có tầm quan trọng trong việc gợi mở một phương thức khởi nghĩa giành lấy chính quyền một cách không phải đổ máu ở những nơi giằng co với Nhật và nguỵ quyền thân Nhật, hoặc ở ngay những nơi ta đã giành được chính quyền rồi nhưng chính quyền chưa ổn định.
Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
TỪ NGÀY 18 – 28/8: Tổng khởi nghĩa thành công trên cả nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Trung ương Đảng lúc này đều thống nhất nhận định: “Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở miền Bắc gồm cả Hà Nội, Huế là thắng lợi có tính chất quyết định của cuộc khởi nghĩa. Thắng lợi của miền Bắc tạo điều kiện và cổ vũ nhân dân ở Nam Bộ và những vùng chưa giải phóng nổi dậy giành chính quyền không chậm trễ được nữa".
Tính đến hết ngày 27/8, trên cả nước đã có 63 tỉnh, thành phố đặc khu nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Tình hình trên đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho những tỉnh còn lại tiếp tục nổi dậy giành chính quyền.
Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng thời với việc chớp thời cơ phát động nhân dân vùng dậy giành chính quyền, Đảng bộ các địa phương còn thực hiện vô hiệu hoá quân đội Nhật, tránh cho cuộc khởi nghĩa khỏi những tổn thất.
NGÀY 25/8: Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội chỉ đạo các nhiệm vụ cách mạng cấp bách
Sau khi Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền cách mạng của nhân dân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định về Hà Nội để tiếp tục chỉ đạo công cuộc giành chính quyền đang diễn ra sôi động trên cả nước, gấp rút chuẩn bị công việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Từ ngày 28/8, theo sự phân công của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tại chiếc bàn ăn trên gác hai số nhà 48, phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung trí lực và tình cảm soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.
Cùng với dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo chuẩn bị ngày quốc lễ 2/9/1945.
NGÀY 30/8: Chính phủ cách mạng lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại
Đúng 16 giờ ngày 30/8, hàng vạn nhân dân Huế tụ họp tại Ngọ Môn chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại: Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị "nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hoà" và tuyên bố "lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập"; rồi trao ấn kiếm cho dại diện của Chính phủ lâm thời. Trong không khí nghiêm trang, cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam tuyên bố xoá bỏ chính thể quân chủ ở Huế cũng như trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, công bố chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Sự kiện Bảo Đại tuyên bố thoái vị có một ý nghĩa quan trọng, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến lỗi thời; nhân dân ta đã thực hiện được một bước quan trọng đường lối cách mạng dân chủ mà Đảng ta đề ra từ năm 1930. Việc Bảo Đại tuyên bố thoái vị cũng đã triệt tiêu một đầu mối mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị lên đất nước ta.
NGÀY 2/9: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc tập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
Tại cuộc mít tinh của hàng chục vạn nhân dân ở vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng đọc bảnTuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng đóng góp ý kiến và nhất trí thông qua.
Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".
Bản Tuyên ngôn Độc lập là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng yêu nước, tự lực, tự cường đã nảy sinh và phát triển từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.
Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách bản lĩnh kiên cường ý chí bất khuất của dân tộc ta. "Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam (...). Nó chấm dứt thể chế quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ, cộng hoà".
–––––––––––

* Theo: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1930 – 1945), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2008

Không có nhận xét nào