Thành cổ Quảng Trị - Một thời hoa lửa (Phần 3)
IV. Kết quả
Sau 12 tuần lễ liên tục tổng công kích với sự hỗ trợ hỏa lực tối đa của quân đội Hoa Kỳ, đến giữa đêm ngày 15 rạng ngày 16 tháng 9 năm 1972, lực lượng Thủy quân Lục chiến đã tiến vào thị xã Quảng Trị và kiểm soát toàn bộ khu vực Cổ Thành. Rạng sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, hai tiểu đoàn 3 và 6 Thủy quân Lục chiến từ các vị trí vừa chiếm được trong Cổ Thành, đã bung ra lục soát và đánh các chốt còn lại củaQuân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến 8 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, một toán Cọp Biển của tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến đã dựng cờ của Việt Nam Cộng hòa trên cổng tường phía Tây Cổ Thành Quảng Trị, biểu tượng cho việc Quân lực VNCH đã hoàn tất cuộc tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Trong trận chiến này, Hoa Kỳ đã ném xuống Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn bom, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 và đã phá hủy hoàn toàn 1 vạn ngôi nhà và tòa Thành cổ.
Vài phút sau đó, chuẩn tướng Bùi Thế Lân - tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến đã báo tin tái chiếm thành công Thành cố đến trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn 1 kiêm tư lệnh chiến dịch tái chiếm Quảng Trị. Ông này đã gọi máy về Sài Gònđể tường trình lên Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và đại tướng Tổng tham mưu trưởng, sau đó tướng Ngô Quang Trưởng đã gửi bưu điệp tuyên dương công trạng Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
Theo ghi nhận của trung tướng Ngô Quang Trưởng, trong 10 ngày cuối của trận chiến tại trung tâm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành, có 2.767 binh sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chết, 43 bị bắt sống. Về phía Thủy quân Lục chiến của Quân lực VNCH, trung bình mỗi ngày có 150 binh sĩ Cọp Biển chết trận, chưa tính tổn thất của các đơn vị khác. Chiều ngày 16 tháng 9 năm 1972, sau khi đánh bật Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra khỏi trung tâm thị xã và tái chiếm toàn khu vực Cổ Thành, 6 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến đã bung rộng để triệt hạ các chốt kháng cự cuối cùng trong Cổ Thành và nới rộng vùng kiểm soát.
Theo cuốn Một thời hoa lửa của Nhà xuất bản Trẻ thì từ mồng 10 tháng 9, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bị thương vong nhiều. Như hai tiểu đoàn mới vào thành (K3 và K8) cũng đã tổn thất nặng. Riêng Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 vào thành chiến đấu ngày 13 tháng 7 có quân số gần đủ, với 67 đảng viên và nhiều vũ khí, khí tài mạnh; đến ngày 10 tháng 9 đã chết trên 100 người, bị thương trên 700 (tính cả số bổ sung từng ngày) và lúc rút ra chỉ còn 12 đảng viên chưa bị thương vong.
Do đó hành động của tư lệnh chiến dịch vào buổi giao ban sáng 16 tháng 9 và tiếp sau đó lệnh phòng ngự tả ngạn sông Thạch Hãn vào chiều 16 tháng 9 là thích hợp với tình hình thực tế. Kết thúc trận đánh, chỉ riêng Sư đoàn Thủy quân Lục chiến của VNCH đã có 3.658 binh sĩ tử trận, chiếm 25% quân số toàn sư đoàn, tổng số thiệt mạng của tất cả các đơn vị VNCH là 7.756, cùng với nhiều ngàn lính khác bị thương. Phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tử trận khoảng 4.000 đến một vạn người Cả hai bên đều bị tổn thất lớn sau trận đánh này.
Tuy để mất thị xã Quảng Trị và Thành cổ nhưng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn giữ được hai căn cứ bàn đạp Tích Tường, Như Lệ, Phước Môn, Tân Téo phía Tây và Bích La, An Lộng, Chợ Sãi, Nại Cửu, Long Quang ở phía Đông trên hữu ngạn sông Thạch Hãn. Ngoài ra, sư đoàn 324 vẫn chiếm giữ các vị trí cực tây Quảng Trị. Đây là những mục tiêu mà quân đội VNCH đã tiếp tục tìm cách giành lại bằng các chiến dịch trong giai đoạn sau, nhưng các chiến dịch này đều bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bẻ gãy cho tới khi Hiệp định Paris được ký kết.
V. Đánh giá
Tướng Lê Phi Long của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 2008 có nói: "Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần nghĩ lại tôi rất đau lòng. Mãi đến bây giờ (2008), tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa hiểu vì sao ta phải cố thủ thành cổ với một giá đắt như vậy? Có cán bộ cấp trên giải thích rằng do yêu cầu của đấu tranh ngoại giao, cần giữ vững thành cổ để phối hợp với cuộc đàm phán tại hội nghị Paris...".
Ghi lại cuộc chiến đấu của sư đoàn Thủy quân Lục chiến tại mặt trận trung tâm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành từ khi thay thế lực lượng Nhảy Dù vào ngày 27/7/1972, trung tá Trần Văn Hiển, nguyên trưởng phòng 3 bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến đã viết: "Trong suốt 7 tuần lễ chiến đấu dưới những làn mưa đạn pháo nặng nề của đối phương, tính trung bình cứ 4 lính Thủy quân Lục chiến có một người tử trận. Tính từ tháng 6 năm 1972 đến ngày chiếm được thành cổ, về quân số, Thủy quân Lục chiến bị tổn thất trên 5 ngàn, trong đó có 3.658 lính tử trận".
Cũng theo cuốn Một thời hoa lửa của Nhà xuất bản Trẻ này thì:
- Các lực lượng trực tiếp phòng thủ thị xã đã cùng một ý chí sắt đá là kiên quyết giữ vững Thành cổ bằng mọi giá nhằm phục vụ yêu cầu đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris. Rất nhiều gương chiến đấu, phục vụ chiến đấu vô cùng anh dũng của cán bộ chiến sĩ, của các đoàn dân công hỏa tuyến, của nhân dân trong khu vực.
- Trong hơn 80 ngày đêm chiến đấu, chúng ta đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng bộ đội và nhân dân, tạo nên sức chiến đấu kiên cường, dẻo dai. Bên cạnh lực lượng bám trụ thị xã, phải tính đến sức mạnh của các sư đoàn chủ lực 308, 304, 320 đứng bên sườn địch từ hướng đường 1 và hướng ven biển, mở nhiều đợt tiến công vào sườn đội hình tiến công của địch; gây cho địch nhiều thiệt hại, làm chậm bước tiến của chúng, buộc chúng phải đối phó bị động.
- Ngoài ra phải nói đến nhiều đoàn tân binh từ nhiều tỉnh miền Bắc đã lần lượt vào thị xã để bổ sung kịp thời cho các đơn vị chiến đấu. Nhiều lực lượng dân quân du kích và nhân dân địa phương đã đấu tranh kiên cường bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng ở vùng địch hậu Triệu Phong, Hải Lăng. Nhiều lực lượng dân công hỏa tuyến tại khu vực Tả Kiên, Ba Gơ, Đại Ang, Tân Vinh đã tận tình phục vụ cho Quảng Trị chiến đấu.
Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9-8-1972 viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”. Một tờ báo của Mỹ đã bình luận: "Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần xem thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà các chiến sĩ quân Giải phóng vẫn chiến đấu dưới mưa bom B-52? Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ có thể giải thích đầy đủ"
Theo lời cựu binh Đào Chí Thành thuộc Đại đội 14, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, các chiến sỹ Quân Giải phóng đã vào trận với một tinh thần rất hồn nhiên. Thậm chí, nhìn cảnh tượng chiến trường lúc đó, ông Thành còn tưởng mình đang tham gia một bộ phim. Theo lời cựu binh Trần Luân Tín, Đại đội thông tin số 18, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, ông thể ngờ rằng mình vừa bước ra khỏi trận chiến khốc liệt nhất trong toàn bộ cuộc chiến.
VI. Ý nghĩa
Kết quả trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị đã giúp cho phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ vững được thế thượng phong có được từ sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh bại Cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Kết quả tại Thành cổ đã tiếp tục khiến vị thế phái đoàn Hoa Kỳ bị suy yếu. Phía Hoa Kỳ đã phải chấp nhận bản dự thảo do phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra vào tháng 10/1972. Tuy nhiên tới tháng 12, Hoa Kỳ lật lọng đòi đàm phán lại và tiến hành ném bom Hà Nội nhưng Hoa Kỳ cũng lại thất bại. Cuối cùng Hoa Kỳ buộc phải chấp nhận phương án do phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đề xuất, rút quân khỏi Việt Nam. Diễn biến tại Thành cổ Quảng Trị đã cho thấy lòng yêu nước, quyết tâm thông nhất đất nước, sự anh dũng của bộ đội Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như sự bất khuất, kiên trung, quyết tâm cản bước quân Mỹ xâm lược của nhân dân Quảng Trị.
VII. Sau chiến tranh
Hiện nay khu thành cổ Quảng Trị rộng 16 ha là một phần của Khu di tích Thành cổ Quảng Trị, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam. Do mật độ bom đạn rất cao và kéo dài nên hầu hết bộ đội Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tử trận trong Thành cổ Quảng Trị đều bị vùi lấp. Nơi đây được xây dựng thành nơi yên nghỉ chung cho những người đang nằm trong lòng đất với nhiều cây xanh, đài tưởng niệm, bảo tàng... Hiện đang có dự án đầu tư xây dựng khu di tích trở thành một công viên văn hóa, tưởng niệm với các hạng mục như đài tưởng niệm trung tâm, bảo tàng, đài chứng tích sinh viên, vườn hoa cảnh.
Đã có nhiều bài thơ, bài hát nói về sự khốc liệt và mất mát của trận Thành cổ Quảng Trị, trong đó người ta thường nhắc tới bốn câu thơ trong bài Lời gọi bên sông của Lê Bá Dương, một cựu chiến binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam từng tham gia trận đánh này:
“ | Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm | ” |
Ngoaì ra khi chuẩn bị vào sâu trong mặt trận phía Nam ở Bắc Quảng Trị, Lê Bá Dương cũng có 2 câu thơ rất hay, được xem như là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ của quân giải phóng Bắc Quảng trị:
“ | Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc, Một dấu chân in màu đất hai miền. | ” |
Sau ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, cựu chiến binh Lê Bá Dương và một số đồng đội của ông hàng năm đều về Quảng Trị ít nhất một lần để tưởng niệm những đồng đội Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hy sinh và thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn. Xuất phát từ đó, những năm gần đây, hàng năm cứ vào ngày 27 tháng 7 (Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam) cũng là gần dịp rằm tháng bảy có lễ Vu Lan báo hiếu, chính quyền tổ chức lễ thả đèn, thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm những người đã nằm lại tại Thành cổ trong 81 ngày đêm của trận đánh. Từ sau kỷ niệm 40 năm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, ngoài những lễ thả hoa của các đoàn về thăm. Chính quyền- Nhân dân thị xã thường xuyên tổ chức Chương trình "Đêm hoa đăng" vào ngày 14 âm lịch hàng tháng để tưởng niệm và tri ân những Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh trên dòng sông huyền thoại này. Chương trình đó đã trở thành nét Văn hóa mới của thị xã Quảng trị trong thời kỳ đổi mới.
Theo Wikipedia
Không có nhận xét nào