SỰ PHỒN THỊNH GIẢ TẠO
KINH TẾ VIỆT NAM CỘNG HOÀ QUA GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC VÀ CHUYÊN GIA QUỐC TẾ: SỰ PHỒN THỊNH GIẢ TẠO
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Hưng, tiến sĩ kinh tế, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, hiện là giáo sư tại Đại học Howard.[1], nền kinh tế miền Nam trong thời kỳ trước và sau khi người Mỹ có mặt có sáu đặc tính rõ ràng:
1. Cơ cấu kinh tế nghiêng hẳn về cung cấp dịch vụ, chiếm 55% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Sản xuất hàng hoá, vật dụng không nhiều.
2. Do công nghiệp nặng và hóa chất vẫn ở mức sơ khai, nên nguyên vật liệu phải lệ thuộc vào nhập cảng: gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, hàng tiêu thụ, vật liệu sản xuất. Trung bình là phải nhập 750 triệu đô la một năm.
3. Tiết kiệm xuống số âm: trung bình bằng -5% GDP. Lúc còn hoà bình, có năm đã lên tới +6% GDP (1960). Khi chiến tranh leo thang thì không còn có thể tiết kiệm nội địa, đầu tư cho phát triển phải tuỳ thuộc vào tiền bạc từ bên ngoài.
4. Gánh nặng kinh tế của nạn nhân chiến tranh: đoàn người di tản từ những vùng có chiến sự lên tới vài triệu. Số đông di tản về thành thị, làm số người ở đây lên tới 40% tổng dân số (năm 1960 chỉ có 22%). Kết quả là thất nghiệp cao ở thành thị (14%), các khu ổ chuột cùng với những tệ nạn xã hội đi kèm trong khi nông thôn lại thiếu người canh tác.
5. Gánh nặng quốc phòng: nhu cầu quốc phòng quá lớn, cần chi tiêu tới 50% ngân sách (242 tỷ đồng). Tài trợ cho phát triển chỉ còn 9% (66 tỷ đồng). Về vấn đề nhân lực thì rất nhiều thanh niên còn phải tham chiến, chưa kể 310.000 công, tư chức. Ngoài ra còn số người di tản kể trên, tất cả cũng vượt 30% nhân lực lao động.
6. Tâm lý dựa vào viện trợ: Nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa bé nhỏ, sản xuất căn bản là nông nghiệp. Khi quân đội Mỹ sang thì nhu cầu quốc phòng, tiêu dùng, xây dựng hạ tầng lớn. Sản xuất còn yếu kém, căn bản chỉ là lúa gạo nên chỉ còn cách nhập hàng hoá từ nước ngoài. Tài trợ nhập hàng hoá đang từ 162 triệu đôla năm 1964 tăng lên tới 830 triệu năm 1966, cao hơn năm lần. Sự kiện này làm tăng lên mức độ của tâm lý lệ thuộc của kinh tế Việt Nam Cộng hòa và mang tới nhiều cơ hội tham nhũng cho nhiều quan chức chính phủ.
Nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa có sự cách biệt rất lớn giữa thành thị và nông thôn. Một báo cáo của Mỹ kết luận: Trong khi ở thành thị, những nhóm người phục vụ cho quân Mỹ có đời sống khá giả nhờ chiến phí mà Mỹ bỏ ra thì ở vùng nông thôn, những người nông dân phải chịu đựng sự tàn phá dưới hỏa lực Mỹ, để lại sự nghèo khổ gần như tuyệt đối cho nông thôn miền Nam[2]
Xét riêng về sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam Cộng hòa vào viện trợ Mỹ, Giáo sư Kinh tế Đặng Phong nhận định: "Nền kinh tế miền Nam trước 1975 tuy có vẻ ngoài phồn vinh nhưng giả tạo ở chỗ nó không tự nuôi nổi nó". Lấy ví dụ, tổng thu nội địa của Việt Nam Cộng hòa năm 1974 là khoảng 300 tỉ đồng, với tỉ giá năm 1974 là 685 đồng/1 đô la, tức tương đương với 438 triệu đôla (bình quân 54 USD/người/năm), chỉ bằng một nửa viện trợ của Mỹ, thậm chí chỉ bằng 1/6 chi phí quân sự hàng năm.[3] Như vậy có nghĩa hơn 65% thu nhập quốc dân và hầu hết chi tiêu chính phủ là lấy từ viện trợ kinh tế của Mỹ. Sự phồn vinh không phải ở nội tại nền kinh tế mà là nhờ nguồn viện trợ khổng lồ của Mỹ bằng 4 con đường chính:[4]
Thứ nhất, bình quân mỗi năm Mỹ đổ vào miền Nam VN 1 tỉ USD, chia bình quân cho 8 triệu dân trong vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa, thì lên tới 125 USD/người/năm, tương đương 75% thu nhập bình quân. 1 tỉ USD trút vào nuôi bộ máy Nhà nước, binh lính nên thu nhập của họ rất cao, ví dụ thiếu úy được nhà riêng (gia binh), một tổng trưởng (bộ trưởng) lương trị giá 10 cây vàng/tháng.
Thứ hai, chi phí chiến tranh (nằm ngoài 1 tỉ USD viện trợ - có thời kỳ lên đến 28 tỉ USD/năm, như các năm 1967, 1968). Mỹ quản lý nhưng vẫn rơi vãi ra dân sự. Riêng vỏ đạn cũng đủ tạo ra 7 nhà máy đồng, xác chiến xa và các loại vũ khí... là đầu vào của các nhà máy cán thép, dù miền Nam không có mỏ sắt. Chi phí quân sự đã trở thành kinh tế dân sự.
Thứ ba, cũng nằm ngoài 1 tỉ USD viện trợ - là sức chi tiêu tại chỗ của nửa triệu binh lính Mỹ, bình quân 1 người 800 USD/tháng, một năm là trên 4 tỉ đôla - gấp 10 lần tổng GDP của cả 8 triệu dân do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Khoản tiền khổng lồ này tạo ra vô khối ngành dịch vụ và thu nhập cho người dân. Một chủ tiệm giặt là từng nhận thầu giặt đồ cho lính Mỹ, bảo chỉ nhặt tiền lẻ trong đống quần áo, gom lại trong 1 năm xây được nhà 4 tầng lầu.
Thứ tư, ngoài 1 tỉ USD tiền còn các khoản viện trợ thường xuyên bằng hàng hoá do người Mỹ chỉ định mua từ nước nào, hãng nào, loại hàng gì, theo giá nào... để giải quyết cán cân thương mại giữa Mỹ và các nước đồng minh. Cách làm này tạo ra vô số nhà máy đường, nhà máy dệt... không có vùng nguyên liệu trồng mía, bông – mà nhập nguyên liệu từ Indonesia, Malaysia, Nhật Bản... để sản xuất.
Theo tác giả Nguyễn Tiến Hưng[1] nếu tổng kết toàn bộ thì hình ảnh của nền kinh tế có nhiều triển vọng nếu miền Nam hội đủ điều kiện cần thiết để tiến tới chỗ thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Quan sát tại chỗ, Đại sứ Martin đã phát biểu cho ký giả tuần báo U.S. News and World Report:
"Đôi khi ta thấy trong cùng một quốc gia có sự phối hợp giữa tài nguyên phong phú, một hệ thống hành chính có quyết tâm với những chính sách kinh tế hợp lý của một dân tộc thông minh, khéo léo, và hết sức dẻo dai, với một khả năng cố gắng bền vững, một quyết tâm mãnh liệt và tha thiết bảo tồn tự do của mình.
"Khi có một kết hợp như vậy, như hiện đang có ở Việt Nam, thì chỉ cần một nguồn tài chính từ ngoài vào làm vai trò tác động, để nối kết tất cả những yếu tố này lại với nhau thì có thể có những kết quả thật là xuất sắc"[5]
Tài liệu Risks and rewards in Vietnam's markets: business approaches to North and South Vietnam đánh giá GDP đầu người của miền Nam năm 1974 tương đương 54 USD/năm (tương đương với khoảng 150 đôla năm 2010), theo chuẩn hiện nay trên thế giới là rất thấp (phải trên 1000 USD mới thoát danh sách nước kém phát triển), nhưng hồi đó vẫn còn cao hơn các nước Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan; bằng 1/2 so với Trung Quốc và bằng 1/4 so với Thái Lan.[6] Cùng thời điểm năm 1974, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (tính theo thời giá năm 2013), GDP đầu người của Trung Quốc là 158 USD, Hàn Quốc là 588,79 USD, Malaysia là 839,92 USD, Indonesia là 215,95 USD, Campuchia là 77,76 USD, Singapore là 2.359,28 USD, Thái Lan là 332,13 USD, Philippines là 343,23 USD, Brunei là 6.953,8 USD, Hong Kong là 2.166,18 USD và của Nhật Bản là 4.281,36 USD[7].
Một đặc điểm khác là sự kiểm soát của giới thương nhân người Hoa đối với nền kinh tế. Trước năm 1975, ở miền Nam, Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối và tín dụng. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường. Năm 1978, chính phủ mới của nước Việt Nam thống nhất đã quốc hữu hóa khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của người Hoa để chấm dứt sự kiểm soát của họ, thắt chặt kiểm soát nền kinh tế tập trung của mình.[8]
Ghi chú:
[1] Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, Phần 2, chương 5
[2] International Socialist Review Issue 33, January–February 2004. From the overthrow of Diem to the Tet Offensive. Vietnam: The war the U.S. lost
[3] Andrew A. Wiest, The Vietnam War, 1956-1975, 2002, Osprey Publishing, tr. 80
[4] Phỏng vấn của báo Người Đô thị. http://vietbao.vn/Kinh-te/Tu-san-hom-qua-huu-san-hom-nay/65131665/176/
[5] J. U.S. News and World Report, 29 tháng 4, 1974. Dẫn tại Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, P2. Ch.5
[6] Risks and rewards in Vietnam's markets: business approaches to North and South Vietnam, Business International Asia/pacific Ltd, 1974, trang 13.
[7] World Development Indicators, World Bank data
[8] Evans và Rowley, tr. 53
Nguồn: FB Doan Quang Minh
Nguồn: FB Doan Quang Minh
Không có nhận xét nào