Nữ anh hùng lao động vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bạc màu ở thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa; khi mới 15- 16 tuổi, Nguyễn Thị Song (sinh năm 1943) đã tích cực tham gia phong trào cải tạo đất bằng cách thả bèo hoa dâu, ủ các loại phân xanh bón cho đất để tăng độ màu mỡ của đất.
Năm 22 tuổi, được bầu làm đội trưởng đội kỹ thuật của hợp tác xã nông nghiệp Trung Hòa, chị Song càng tích cực vận động người dân cải tạo đất, áp dụng kỹ thuật vào gieo trồng. Nếu trước đây (trước khi thực hiện cải tạo đất bạc màu), đồng đất Trung Hòa chỉ độc canh một năm hai vụ lúa thì nay bốn mùa xanh tốt bởi lúa và các loại rau màu như khoai lang, khoai tây, lạc, hành, tỏi..., lương thực dồi dào, đời sống của người dân Trung Hòa ngày càng được cải thiện. Tiếng lành đồn xa, cách làm của hợp tác xã Trung Hòa dần được nhân rộng ra cả xã Mai Trung, khắp huyện Hiệp Hòa, toàn tỉnh và cả miền Bắc học tập.
Anh hùng lao động Nguyễn Thị Song
Nhắc lại kỷ niệm thiêng liêng ấy, bà Song xúc động kể: Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đồng chí Trường Chinh- Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề cải tạo đất bạc màu và phân vùng quy hoạch nông nghiệp và đã chọn thôn Trung Hòa làm điểm để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Lúc này, tôi là Phó Bí thư chi đoàn thôn Trung Hòa. Đi vào thực tế, việc cải tạo đất bạc màu và phân vùng quy hoạch nông nghiệp không chỉ là một hoạt động khoa học kỹ thuật đơn thuần mà còn là cuộc đấu tranh chống lại những phong tục tập quán lạc hậu, bảo thủ, tư tưởng sản xuất nhỏ... của người nông dân. Những tháng năm tiến hành cải tạo đất bạc màu và từng bước thực hiện phân vùng quy hoạch nông nghiệp ở đây, tôi cùng với chi đoàn thanh niên, chi bộ Đảng thôn Trung Hòa luôn luôn đi đầu, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào nuôi bèo hoa dâu, làm phân xanh, lấy phù sa từ sông Cầu về bón ruộng, đắp bờ vùng bờ thửa, san ghềnh lấp trũng, khoanh vùng quy hoạch. Tuy nhiên, việc vận động nhân dân hưởng ứng trồng màu, trồng cây công nghiệp ngắn ngày lúc đầu không hề thuận lợi. Có lần, vận động mãi bà con mới hưởng ứng nhưng vừa trồng xong thì kẻ xấu ra tay phá hoại bằng cách tháo nước tràn ngập cánh đồng. Trước tình hình ấy, tôi và chi đoàn thanh niên của thôn giữa ngày tháng chạp rét buốt đã cố gắng chặn dòng nước lại, cứu được cánh đồng hoa màu trên 200 mẫu.
Do sự cố gắng liên tục của tổ chức Đảng, của toàn dân, tiên phong là lực lượng thanh niên và tinh thần đầu tầu gương mẫu không mệt mỏi của chị Nguyễn Thị Song, đến giữa những năm 60 của thế kỷ XX, thôn Trung Hòa cơ bản hoàn thành việc cải tạo đất bạc màu và phân vùng quy hoạch nông nghiệp. Đất bạc màu trở thành đất màu mỡ quay vòng canh tác liên tục trong năm với năng suất cao. Cây khoai lang Trung Hòa có tiếng trên miền Bắc. Thôn Trung Hòa khắc phục được nạn đói bao đời, có dư giả tài lực xây dựng các công trình phúc lợi, nâng cao đời sống nhân dân và mỗi vụ còn dư hàng trăm tấn thóc cung cấp cho Nhà nước.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc ấy, liên tục từ năm 1962 đến năm 1966, Nguyễn Thị Song được bầu là Chiến sĩ thi đua, được kết nạp vào Đảng. Niềm vinh dự lớn hơn là vào cuối năm 1966, chị Nguyễn Thị Song được cử đi dự Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc, tại đây Chị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" và vinh dự được gặp Bác.
Tại Đại hội thi đua khi được tuyên dương Anh hùng, đây cũng là lần đầu tiên Nguyễn Thị Song được gặp Bác Hồ. Nhắc lại kỷ niệm thiêng liêng ấy, bà Song xúc động kể: "Đại hội làm việc trong ba ngày, đến ngày cuối cùng, Bác Hồ mời chúng tôi vào Phủ Chủ tịch, thết bánh kẹo. Được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt khiến tôi vô cùng xúc động. Ngoài sức tưởng tượng của tôi, Bác thật giản dị, hiền từ và dễ gần". Ai cũng cố len chân để được đến gần Bác, chạm vào Bác. Trong lúc trò chuyện, Bác cân cần hỏi thăm sức khỏe và hỏi chúng tôi: "Các cháu làm như thế nào mà các cháu là anh hùng?" Chúng tôi chẳng ai bảo ai đồng thanh đáp: "Thưa Bác, thành tích này là của đảng bộ, của nhân dân ạ!". Sau đó Bác nhắc nhở chúng tôi: "Các cháu cố gắng phát huy truyền thống đó...". Sau lần được gặp Bác Hồ, chị Song được phân công làm bí thư chi bộ, rồi phó chủ nhiệm hợp tác xã Trung Hòa, mặc dù con nhỏ, nhà neo người nhưng chị đã dành toàn bộ tâm sức để xây dựng hợp tác xã Trung Hòa ngày càng phát triển.
Lần thứ hai, vào mồng 01 Tết năm 1967, chị được tham gia đoàn hợp tác xã điển hình của tỉnh Hà Bắc chào mừng Bác Hồ khi Người về thăm Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc.
Lần thứ ba vào cuối năm 1967, khi chị là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự đại hội Mặt trận Tổ quốc. Chị kể lại: Lần ấy Bác cũng mời chúng tôi về Phủ Chủ tịch trò chuyện, mọi người cứ ngồi ngắm Bác, nghe như nuốt từng lời thăm hỏi, căn dặn của Bác. Thấy chúng tôi không ăn bánh kẹo, Bác bảo nếu các cô chú không ăn thì mang về phòng nghỉ, tôi cũng đem theo một ít về cho mấy chị phục vụ phòng nói là kẹo của Bác Hồ, ai cũng cảm động khi nhận chút quà nhỏ của Bác.
Trong những năm tháng công tác, Nguyễn Thị Song được Đảng và nhân dân tin cậy, bà đã kinh qua nhiều cương vị như bí thư chi đoàn, bí thư chi bộ thôn, phó chủ nhiệm hợp tác xã, quyền bí thư đoàn xã, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa IV, V, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ vẫn hiển hiện trong tâm trí và có sức tác động lớn lao đến mọi suy nghĩ và hành động của nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Song. Tuy tuổi cao, sức yếu, không còn hăng hái như ngày nào nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động hội người cao tuổi, phụ nữ; bảo ban con cháu hăng hái lao động sản xuất, chịu khó học hành. Với hội Người cao tuổi thôn, bà luôn là hội viên tích cực, đồng thời vận động người cao tuổi trong thôn, xã chăm chỉ rèn luyện sức khoẻ, nêu gương sáng trong việc đoàn kết gắn bó tình làng, nghĩa xóm, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đấu tranh với các tệ nạn xã hội; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn thuần phong mĩ tục; bảo ban con cháu học tập, rèn luyện đạo đức trở thành con ngoan, trò giỏi. Bà luôn sẵn lòng phổ biến kinh nghiệm quản lý hợp tác xã, cải tạo đất, phát triển sản xuất nông nghiệp cho mọi người. Nhờ đó, Trung Hoà vẫn là một trong những địa phương dẫn đầu huyện Hiệp Hoà. Thôn Trung Hoà nhiều năm liền giữ vững danh hiệu văn hoá cấp tỉnh. Niềm vui của bà Song bây giờ là bốn người con đều trưởng thành có công việc ổn định, tám cháu nội, ngoại đều chăm ngoan, khoẻ mạnh. Những lúc rảnh rỗi bà lại kể cho cháu con và bà con xóm giềng nghe những kỷ niệm về Bác Hồ và coi những lời dạy của Người như lẽ sống của đời mình.
Vào dịp 19/5/2012, bà Nguyễn Thị Song vinh dự được trao tặng 50 năm tuổi Đảng.
Ngô Toàn - Bộ phận Chuyên trách CT03
Không có nhận xét nào