50 năm nhìn lại Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (Phần 4)
(Tiếp)
Sở dĩ Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh được mệnh danh là "Trận Điện Biên Phủ thứ hai" vì giữa hai trận đánh này có những điểm tương đồng:
- Thứ nhất, cả Khe Sanh và Điện Biên Phủđều tiếp giáp với biên giới Việt - Lào. Khe Sanh cách biên giới Việt - Lào chừng 20km, còn Điện Biên Phủ chỉ cách khoảng 8km.
- Điểm tương đồng thứ hai là địa hình đều hiểm trở, khó tiếp cận. Chỉ có thể tiếp cận Điện Biên Phủ bằng đường không. Đối với Khe Sanh, ngoài việc tiếp cận bằng đường không, còn có thêm cách tiếp cận bằng đường bộ thông qua Đường 9.
- Về tính chất của cả hai trận đánh lúc bấy giờ đã trở thành tâm điểm chú ý của báo chí và các cơ quan công luận khác. Đối với quân địch cả hai trận đều có bài học giống nhau, đó là sự thất bại.
Chính phủ Mỹ tuyên bố với báo chí và truyền thông là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chịu thương vong tới 10-15 ngàn người chết để nêu bật "chiến thắng" mà họ tuyên bố. Tuy nhiên, trong báo cáo mật mà MACV trình tướng Westmoreland (được giải mật sau này), quân đội Mỹ ước tính con số này chỉ khoảng 5.550, nghĩa là con số mà chính phủ Mỹ công bố cho dư luận đã bị phóng đại một cách cố tình. Tuy nhiên, ngay cả con số của MACV cũng bị cho là phóng đại, vì nó chủ yếu dựa trên những ước tính mơ hồ từ không ảnh, sóng vô tuyến... Sau 40 năm, tới thập niên 2010, giới sử học Mỹ đã tiếp cận được một số tài liệu của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam về chiến dịch này. Thống kê của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cho biết tổn thất chính xác của họ chỉ là 2.469 người tử trận trong suốt chiến dịch (tính từ 20 tháng 1 đến 20 tháng 7 năm 1968), thấp hơn ước tính của Mỹ tới 6 lần.
Về phần mình, chính phủ Mỹ công bố thương vong của họ chỉ là 205 chết và 443 bị thương. Nghiên cứu của giới sử học Mỹ sau này đã chỉ ra nhiều thiếu sót có chủ ý trong việc tính toán thương vong khi đó, và con số thực tế cao hơn thế gấp khoảng 12 lần. Mức thương vong này sánh ngang với những trận đánh khốc liệt trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Trong bối cảnh nước Mỹ đang chấn động vì cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, nếu con số thực bị lộ thì chẳng khác nào việc "đổ thêm dầu vào lửa" với những hậu quả lớn không thể lường trước.
Mặt khác, cho đến tận gần đây, có rất ít tài liệu của Hoa Kỳ được công bố về giai đoạn cuối của chiến dịch (chiến dịch Scotland II và chiến dịch Charlie), giai đoạn mà Hoa Kỳ phải rút khỏi căn cứ này. Do vậy, đa số các cuốn sách và phim tài liệu của Hoa Kỳ chỉ đề cập đến chiến dịch giải vây cho căn cứ (chiến dịch Pegasus vào tháng 4/1968) mà không nhắc tới việc quân Mỹ đã tổn thất hơn 3.000 quân trong các trận đánh sau đó ở quanh Khe Sanh, và cuối cùng phải tổ chức rút chạy khỏi Khe Sanh vào tháng 7/1968. Điều này khiến nhiều người phương Tây khi đọc về chiến dịch vẫn nghĩ rằng đó là một chiến thắng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, căn cứ trên những tài liệu mới được giải mật từ cả hai bên, nhà sử học Peter Brush khẳng định "không có lý do nào hợp lý để đặt trận đánh ở Khe Sanh vào danh sách những chiến thắng của quân đội Mỹ".
Sau khi rút bỏ Khe Sanh, tưởng như mọi việc đã xong, nhưng rồi Nhà Trắng lại chao đảo lần nữa vì Khe Sanh. Ngày 24 tháng 6, phóng viên John Carol của tờ Mặt trời Baltimore đã loan tin Bộ chỉ huy Mỹ "vừa buộc phải rút bỏ Khe Sanh, một căn cứ quân sự được (Mỹ) phòng thủ với một giá đắt, do vị trí rào cản có tính sống còn của nó ở dưới khu giới tuyến". Bộ chỉ huy Mỹ mập mờ phủ định tin này, nhưng John Carol khẳng định "Các thủy quân lục chiến biết việc này, người Bắc Việt Nam biết việc này, chỉ có nhân dân Mỹ là không biết. Mặc dù Bộ chỉ huy Mỹ giải thích việc này (bỏ Khe Sanh) là do những yêu cầu về quân sự đặt ra, nhưng miền Bắc cho đây là thất bại nghiêm trọng nhất cả về chiến thuật lẫn chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh này".
Theo báo cáo dành cho tổng thống 25 và 26 tháng 6 năm 1968, các cố vấn tổng thống đã phải nhanh chóng ra tay. Một là, họ thuyết phục hãng tin Mỹ tầm cỡ toàn cầu AP đừng đưa tin của Mặt trời Baltimore. Hai là, họ đã dự thảo để MACV ra một tuyên cáo. Cốt lõi cho tuyên cáo này là, quân Mỹ phải bỏ Khe Sanh chỉ vì "do địch đã thay đổi chiến thuật".
Tác động của Mỹ rút bỏ Khe Sanh đối với công luận được Peter Bush đánh giá như sau: "Tướng Abrams ra lệnh giữ bí mật chuyện đóng cửa căn cứ càng lâu càng tốt. Đến khi chuyện này buộc phải công bố chính thức, chỉ một lượng thông tin nhỏ được cung cấp. Sự kiện bỏ Khe Sanh được công luận Mỹ nhìn nhận một cách 'đầy ngờ vực và hoang mang'." Lầu Năm Góc ghi nhận việc công bố quyết định bỏ Khe Sanh là "một sứ mạng khó khăn về phương diện tuyên truyền". Chỉ trước đó 4 tháng, Tổng thống Mỹ là Johnson đã từng tuyên bố "sẽ giữ Khe Sanh bằng mọi giá", rồi 2 tháng trước, chính phủ Mỹ đã tuyên bố "chiến thắng" và "Khe Sanh đã được giải vây". Nay việc "lặng lẽ rút lui" đã bị lộ, đó sẽ là một đòn mạnh giáng vào uy tín của quân đội Mỹ, cũng như làm phong trào phản chiến càng dâng cao.
Ngày 7 tháng 7, tờ Thời báo New York đưa tin từ Hồng Kông cho biết: 70% người châu Á tin rằng lý do Mỹ phải bỏ Khe Sanh là bởi họ đã bị đối phương đánh bại, và bác bỏ cách giải thích của Mỹ, theo đó việc bỏ Khe Sanh là do "tình hình về quân sự đã thay đổi".
Không giống như một số trận đánh khác, Khe Sanh đã chiếm được chú ý của truyền thông đại chúng và công luận ở Mỹ. 25% thời lượng phim chiếu trên chương trình truyền hình buổi tối trong tháng 2 và tháng 3 năm 1968 tường thuật tình hình ở Khe Sanh. Riêng kênh CBS, tỷ lệ này là 50%. Viện Gallup đưa ra số liệu, cứ 5 người thì 1 vừa chuyển từ lập trường ủng hộ sang chống chiến tranh trong khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3. Vì thế, "cách tốt nhất để làm cho Khe Sanh khỏi gây ảnh hưởng xấu đối với công chúng Mỹ là bỏ căn cứ này". Vậy là, Khe Sanh đã trở thành nơi mà lần đầu tiên, Hoa Kỳ phải rút bỏ một căn cứ quân sự trọng yếu bởi áp lực của đối phương.
Kết quả và ý nghĩa
Với Hoa Kỳ
Việc giữ vững căn cứ Khe Sanh cho đến tháng 4 năm 1968 có thể coi là một thành quả về mặt chiến thuật của Mỹ. Dù nhiều đơn vị bị thiệt hại nặng, song quân Mỹ không bị tiêu diệt hoặc bắt sống toàn bộ như Pháp ở Điện Biên Phủ. Song cái giá phải trả là không hề rẻ, với gần 7.500 binh sĩ Mỹ và đồng minh thương vong chỉ trong 77 ngày (chưa kể thương vong trong 3 tháng sau đó), quân đồn trú tại Khe Sanh mất gần 1/2 quân số. Tỉ lệ thương vong này của lính Mỹ còn cao hơn trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cái giá quá đắt này khiến nhân dân Mỹ cảm thấy tức giận. Hãng Reuter bình luận: "Khe Sanh được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Nam Việt Nam như một nơi phải trả với giá đắt nhất bằng máu...".
Cùng với tác động của chiến dịch Tết Mậu Thân, nhân dân Mỹ yêu cầu rút quân Mỹ về nước. Do đó, dù các tướng lĩnh Mỹ muốn tiếp tục bám trụ và thậm chí mở rộng căn cứ sang Lào, câu trả lời của Quốc hội là "Không". Cuối cùng, số phận của căn cứ được định đoạt khi các chính trị gia Mỹ không muốn đánh cược vận mệnh của hàng nghìn lính Mỹ một lần nữa, bởi nó sẽ dẫn tới một thảm họa chiến lược như trận Điện Biên Phủ đã gây ra cho Pháp. Họ quyết định phá hủy và rút khỏi Khe Sanh, chấm dứt vai trò chiến lược của nó. Mỹ mở Chiến dịch Scotland II tổ chức cho lính Mỹ rút khỏi Khe Sanh khi đó vẫn còn bị vây lỏng bởi 2 sư đoàn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Quân Mĩ tiếp tục bị truy kích trên đường rút lui.
Theo sử gia Ronald Spector, không có lý do nào hợp lý để coi trận đánh ở Khe Sanh là một chiến thắng của Hoa Kỳ như họ tự tuyên bố: "Với việc rút bỏ căn cứ, Khe Sanh đã khắc sâu trong tâm trí của nhiều người Mỹ như là một biểu tượng của sự hy sinh vô nghĩa và những chiến thuật lộn xộn đã khiến cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam đi đến thất bại".
Với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam
Chính trị
Trong khi Hội nghị Paris về Việt Nam đang gặp bế tắc do phía Hoa Kỳ liên tục trì hoãn đàm phán thì chiến thắng tại Khe Sanh kết hợp với Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã giúp phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Namđảo ngược tình thế, buộc Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán. Chiến thắng này cũng giúp Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam.
Quân sự
Trải qua 170 ngày đêm vây lấn Khe Sanh, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố đã đánh thiệt hại nặng Quân đoàn III TQLC và Sư đoàn Không Kỵ số 1 Mỹ, diệt 11.900 quân Mĩ và VNCH (trong đó có hơn 10 ngàn lính Mỹ), phá hủy 197 máy bay, 78 xe tăng - xe thiết giáp, 46 khẩu pháo, 50 kho đạn, giải phóng một địa bàn rộng lớn phía tây tỉnh Quảng Trị với 1 vạn dân, phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự thép ngăn chặn ở địa đầu Nam Việt Nam. Thông báo của Bộ tư lệnh Mặt trận Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố: "Sau 170 ngày đêm chiến đấu liên tục, vô cùng anh dũng và quyết liệt, quân giải phóng Mặt trận Khe Sanh đã chiến thắng oanh liệt, đập tan một ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường Đường 9 - Bắc Quảng Trị, buộc chúng phải chịu thất thủ Khe Sanh".
Thắng lợi tại Khe Sanh đã cho thấy một bước trưởng thành mới của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam về chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, hợp đồng binh chủng…
Khi xét về mục tiêu chiến dịch, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành cả hai mục tiêu, thậm chí coi như đã hoàn thành mục tiêu thứ 3 là giành quyền kiểm soát đối với Khe Sanh, mặc dù điều này đã không còn nhiều ý nghĩa về chiến thuật khi phía Mỹ đã chủ động rút quân và phá hủy căn cứ. Về mặt chiến lược, kế hoạch xây dựng Hàng rào điện tử McNamara nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh của Hoa Kỳ coi như phá sản. Đây là cơ sở để Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam coi đây là một thắng lợi chiến lược to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen: "...thắng lợi Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, góp phần vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam... mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa...". Sau chiến dịch, Sư đoàn 304 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì; các trung đoàn đều được tặng thưởng Huân chương, 1.482 cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương; 2 đồng chí được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đây là lần đầu tiên Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam dàn quân ở cấp sư đoàn đối mặt với quân Mỹ. Tuy phải chịu thương vong cực lớn do hỏa lực của Mỹ, đặc biệt là bom B-52 rải thảm, song họ cũng gây thiệt hại nặng tương đương cho các lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của Hoa Kỳ là Thủy quân Lục chiến, Không Kỵ và lực lượng dân vệ CIDG. Đây là thành tích đáng khích lệ đối với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, khi họ là bên tấn công và hoàn toàn lép vế về hỏa lực.
Với việc Mỹ bỏ Khe Sanh, Hàng rào điện tử McNamara coi như cáo chung. Kế hoạch chiến lược mà Mỹ đang xây dựng nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh coi như phá sản. Từ đây về sau, không còn căn cứ nào có thể uy hiếp trực tiếp tuyến đường cùng dòng hàng đưa ra tiền tuyến. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhanh chóng tận dụng kết quả thu được: Từ cuối năm 1968, thêm một tuyến đường Trường Sơn được mở, thường gọi là đường Trường Sơn đông để phân biệt với các tuyến ở phía Tây. So với các tuyến phía Tây, đường Trường Sơn đông ngắn hơn và ít khúc khuỷu hơn, nên việc đưa hàng hóa và bộ đội vào miền Nam nhanh hơn đáng kể.
Do đó có thể nói trận Khe Sanh là bàn đạp cho các chiến dịch lớn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam sau này (chiến dịch Hạ Lào, chiến dịch Hè 1972...), và cuối cùng là chiến dịch quyết định Xuân 1975, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa...".
(Hết)
Theo Wikipedia
Không có nhận xét nào