Chị Nguyễn Thị Sáu làm giàu từ mô hình VAC
Được sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hiệp Hòa chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế VAC của gia đình chị Nguyễn Thị Sáu xóm Chùa, thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An.
Ảnh: Một góc mô hình kinh tế VAC nhà chị Sáu
Dưới cái nắng hè oi ả nhưng khi bước chân vào ngôi nhà hai tầng, mái lệch được xây dựng trên nền ao của chị, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đó là sự sạch sẽ, khang trang, không khí trong lành, mát mẻ. Chủ nhân tiếp đón chúng tôi là người phụ nữ dịu dàng, thân thiện, giản dị và khiêm tốn, nhưng lại là người có nghị lực, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Ảnh: Một góc mô hình kinh tế VAC nhà chị Sáu
Năm 1992 chị Nguyễn Thị Sáu (sinh năm 1970) kết hôn với anh Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1968) người cùng thôn. Gia đình anh Sáu thuộc diện hộ nghèo nhà lại đông anh em. Nên kinh tế sau hôn nhân rất khó khăn nhất là khi hai đứa con lần lượt ra đời. Nhiều năm gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Vợ chồng chị Sáu đã trăn trở: làm thế nào để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, làm giàu cho gia đình và xã hội. Không chấp nhận mãi sự nghèo khó, chị động viên và gom góp đồng vốn ít ỏi của vợ chồng, vay mượn thêm anh em, họ hàng một số tiền để anh Sơn đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Năm 2002 anh trở về nhưng đồng vốn làm được chẳng là bao. Anh định đi xuất khẩu thêm chuyến nữa nhưng chị khuyên ngăn, hai vợ chồng quyết tâm xây dựng kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.
Nói về ngày đầu lập nghiệp chị Sáu chia sẻ: “Năm 2002 có bao nhiêu tiền kiếm được từ xuất khẩu lao động cộng với vay mượn anh em họ hàng vợ chồng tôi mua và đổi ruộng được 5 sào rộng trũng gần nhà, định bụng để đào ao thả cá. Nhưng sau đó chồng lại bị đau ốm phải vay mượn chữa trị thời gian dài, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Hai con còn nhỏ nhưng được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và vốn vay 10 triệu đồng từ Hội phụ nữ xã Hoàng An tôi đã xây dựng chuồng trại bằng nhà lá và nuôi lợn sinh sản”.
Ảnh: chị Nguyễn Thị Sáu, cho đàn lợn ăn
Ban đầu chị nuôi 10 con lợn nái, số lợn con đẻ ra vợ chồng chị nuôi cả và số đầu lợn được nhân lên mỗi năm. Sau thời gian dài điều trị anh Sơn đã được khỏi bệnh hai vợ chồng bàn bạc và đào ao thả cá, trồng cây ăn quả. Sau 10 năm anh chị đã mua được gần 5 mẫu ruộng trũng. Vợ chồng chị đã quy hoạch từng vùng để có thể phát triển đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Gia đình chị thuê máy múc đất, đào ao nuôi cá, đắp bờ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, kết hợp nuôi gia cầm và trồng các loại cây ăn quả như: nhãn, bưởi, trám… trồng ngô, trồng chuối, trồng cỏ chăn nuôi và các loại rau màu phục vụ sinh hoạt gia đình. Những năm đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm, chủ yếu chăn nuôi theo hướng truyền thống nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Vừa làm vừa tích lũy và học hỏi kinh nghiệm từ những gia đình làm ăn có hiệu quả trong huyện, đồng thời nghiên cứu tham khảo qua các tài liệu để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt. Đặc biệt năm 2011 vợ chồng chị đã tích cực tham gia học lớp chăn nuôi thú y do xã Hoàng An tổ chức. 3 năm sau đó “bộ mặt” trang trại của gia đình chị mới được hình thành và cho thu nhập ổn định, hiện chị luôn duy trì nuôi gần 20 con lợn sinh sản và gần 100 trăm con lợn thịt, cộng với 3 ao cá có diện tích 2,5 mẫu; hàng trăm cây ăn quả các loại, mỗi năm trừ chi phí tổng thu lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Gia đình chị đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập 4,5 - 7,5 triệu đồng/người/tháng. Dù có bận rộn với mô hình kinh tế VAC nhưng chị Sáu vẫn duy trì sản xuất hàng vàng mã, mỗi tối chị thuê thêm 2 lao động cùng làm với mức trả thù lao 30 nghìn đồng/2 giờ.
Không những là người thành công trong phát triển kinh tế, chị Sáu còn tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi cho chị em phụ nữ và nhân dân trên địa bàn xã. Cùng với sự nỗ lực, vươn lên không ngừng, với ý thức sống có trách nhiệm với cộng đồng chị và gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động do địa phương phát động, đồng thời vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tích cực thực hiện công tác vệ sinh môi trường, đóng góp công sức tiền của để xây dựng tiêu chí NTM. Không chỉ làm kinh tế giỏi, vợ chồng chị Sáu còn nuôi dạy hai con ngoan ngoãn thành đạt. Hiện con gái lớn của chị đang làm công ty Nhà đất tại Hà Nội và con trai út đang là sinh viên năm thứ 2 trường Học Viện Nông nghiệp Hà nội.
Chị Nguyễn Thị Mai- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoàng An cho biết: “chị Nguyễn Thị Sáu là hội viên phụ nữ có nghị lực vươn lên thoát nghèo bền vững; từ chỗ vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng đến nay đã có mô hình kinh tế VAC cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây là một tấm gương phụ nữ nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống mà nhiều hội viên khác cần học tập”.
Có thể nói phát triển kinh tế theo mô hình VAC từ lâu đã trở thành mô hình hiệu quả để người nông dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng xóa nghèo bền vững và làm giàu, mà tấm gương của chị Nguyễn Thị Sáu là một trong những điển hình. Từ những điển hình đó đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./
Khánh Hòa-Hiephoa.bacgiang.gov.vn
Không có nhận xét nào