Hiệp Hòa- vùng đất văn hóa, lịch sử bên dòng sông Cầu huyền thoại
Như bao dòng sông chảy trên đất Việt, con sông Cầu huyền thoại không chỉ đi vào câu hát dân ca thấm đậm tình người, làm đẹp cho bản sắc văn hóa của dân tộc từ ngàn đời mà nó còn ghi lại những trang sử hào hùng về huyền thoại dựng nước và giữ nước vẻ vang mấy ngàn năm của dân tộc. Con sông hiền hòa ôm ấp bao làng quê trù phú, mang dòng nước nặng phù sa tưới mát cho những cánh đồng lúa, ngô thêm trĩu hạt, mẩy bông.
Giữa mênh mông của đất trời, sông, núi ta xuống thuyền xuôi theo dòng nước ngắm nhìn cảnh đẹp đến nao lòng ở những khúc quanh co, uốn lượn của dòng sông. Dừng chân lên bờ ghé thăm những vùng đất có di tích văn hóa - lịch sử còn lưu lại trên vùng quê cách mạng Hiệp Hòa để thấy hết được khí thiêng sông, núi ngàn năm từ thủa Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt nhổ tre làng đánh giặc, đến Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần bất hủ tạc tên nước Việt ta lên “Sách Trời” âm vang trên bến Như Nguyệt lịch sử. Rồi những ngày sục sôi giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 để có thêm nhuệ khí bước tiếp trên những chặng đường mới tới một tương lai tươi sáng hơn.
Vùng đất Hiệp Hòa bên dòng sông Cầu
Xin hãy bắt đầu từ nơi con sông Cầu chảy vào đất Bắc Giang trên mảnh đất Hiệp Hòa anh hùng. Nơi con sông uốn mình như thế rồng bay. Mặt sông gợn sóng lấp lánh dưới ánh nắng Xuân vàng ruộm. Ta nghe như tiếng nước chảy róc rách bên mạn thuyền. Những con chim cu gáy gọi kết đôi, tiếng gáy quện trong bảng lảng khói lam chiều trên những mái đình cổ kính thâm nghiêm ở một vùng quê trù phú khiến cho lòng ta trào dâng bao cảm xúc.
Điểm dừng chân đầu tiên xin hãy ghé thăm Hoàng Vân - mảnh đất anh hùng - vùng quê cách mạng. Nơi đây đã được chọn là An toàn khu II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ghé thăm Nội Đống Mú - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Hiệp Hòa. Bia tưởng niệm được dựng lên tại đây để con cháu ngàn đời sau thêm tự hào về truyền thống anh dũng của cha ông trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Thăm xóm Đá (xóm Đỏ), soi Đền, Nghè Soi, đình Hoàng Vân, chợ Vân, những gia đình cơ sở cách mạng đã từng nuôi dấu, che chở cho các cán bộ cấp cao của Đảng ta về hoạt động từ trước cách mạng tháng Tám như nhà cụ Nghè Quế, nhà ông Ngô Văn Thấu…Những địa danh đã mãi đi vào lịch sử của quê hương, đất nước. Ghé thăm Nhà truyền thống Hoàng Vân, nơi đây còn lưu giữ nhiều kỷ vật, những chứng tích lịch sử vô giá về những năm tháng hoạt động đầy gian khổ, hy sinh mà vẻ vang của các chiến sĩ cách mạng khi đất nước còn dưới ách lầm than, nô lệ của thực dân phong kiến.
Bên bến Nghè Soi (Vân Xuyên) ta bồi hồi tìm lại hình bóng con đò xưa của cha con ông Nịnh, đã không sợ nguy hiểm, hy sinh lái đò chở đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng ta thoát khỏi vòng vây của kẻ thù trong một đêm đông mặt sông giăng đầy sương trắng cách đây hơn bẩy thập kỷ. Bến xưa còn đó mà người đã mãi đi xa, khiến lòng ta bâng khuâng thương nhớ. Tạm biệt Hoàng Vân trong thoang thoảng hương cau vườn nhà ai đang trổ hoa trắng, vị ngọt ngào, thơm lựng của mật mía, vị thơm bùi béo ngậy của trám đen chấm tương vàng sánh đậm thơm nơi đầu lưỡi, trong lòng trào dâng bao cảm xúc niềm tự hào về một vùng quê anh hung, một dân tộc anh hùng.
Xuôi theo dòng nước, mải mê ngắm nhìn những làng quê trù phú thấp thoáng mái ngói thâm nghiêm điểm xuyết giữa mầu xanh ngút ngát của những cánh đồng lúa, những bãi dâu chạy dọc theo triền đê, trải dài đến tận chân núi phía xa. Đàn bò vàng nhởn nhơ gặm cỏ, những em bé hồn nhiên nô đùa chơi trò đánh trận giả, bịt mắt bắt dê, nhảy dây hay chơi ô ăn quan… những trò chơi mà bao thế hệ những đứa trẻ, con em người dân đất Việt đã ăn sâu vào tiềm thức với những kỷ niệm khó quên ấy là một thời ngồi bên bến sông ngóng mẹ đi chợ, để rồi những kỷ niệm ấy theo suốt những năm tháng cuộc đời. Ta cũng thấy dòng sông khi bên lở lúc bên bồi. Quả thật đúng như một nhà thơ đã viết “Dù cho bãi mật, phù sa. Dẫu không bên lở chẳng là dòng sông”.
Tượng Đài truyền thống huyện Hiệp Hòa
Mải mê ngắm nhìn cảnh sắc quê hương, thuyền nhẹ lướt đến bên chân ngọn Y Sơn sừng sững trầm mặc từ ngàn đời đứng sóng đôi soi bóng suống dòng sông, tạo nên cảnh sông núi hữu tình hiếm thấy. Ghé thăm Đền Y Sơn để hiểu rõ hơn huyền thoại về người anh hùng dân tộc Hùng Linh Công không sợ gian khổ hy sinh giết thú giữ bảo vệ dân lành, rồi vâng mệnh Vua cha dẫn đầu đạo quân theo Thánh Gióng nhổ tre làng đánh đuổi giặc Ân, giữ yên bờ cõi. Trên lưng chừng núi đền thờ ông vẫn quanh năm tỏa khói hương thơm ngát. Tâm linh con cháu ngàn đời sau vẫn hướng về khí phách anh hùng của cha ông thời dựng nước. Nơi đây còn ghi đấu ấn lịch sử đó là ngày 12-7-1945 các chi bộ Đảng, các đoàn thể Mặt trận Việt minh ở Hiệp hòa đã tổ chức cuộc mít tinh tuần hành lớn với sự tham gia của nhân dân ba huyện Hiệp Hòa, Phổ Yên, Phú Bình. Dòng người trải dài tới 4, 5 cây số hàng ngũ chỉnh tề mang theo vũ khí, cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu rẩm rập tiến về địa điểm mít tinh với hàng vạn người tham gia, khí thế cách mạng cuồn cuộn dâng lên. Cả một vùng trời, vùng đất như đang chuyển động mừng cho quê hương Hiệp Hòa hoàn toàn giải phóng và cũng là huyện giải phóng sớm nhất tỉnh Bắc Giang. Cũng tại đây trên đỉnh núi còn ghi lại dấu ấn của trung đội dân quân nữ xã Hòa Sơn bắn rơi máy bay địch trong chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược.
Mải ngắm nhìn những vườn cây trái ngọt hoa thơm, con thuyền nhẹ nhàng áp mạn đưa ta vào cập bến Xuân Biều - bến sông đã đi vào lịch sử của quê hương, đất nước. Từ trong ký ức của các bậc cao niên không thể nào quên hình ảnh vị Cha già dân tộc - Bác Hồ muôn vàn kính yêu khi người bước xuống từ trên con đò, đặt chân lên bến sông này trong tiếng reo hò vang dậy của hàng mấy trăm người dân Xuân Cẩm mừng vui đón Bác về thăm Hiệp Hòa vào một ngày tháng 12 năm 1954. Bác đã đi xa nhưng hình ảnh thân thương, cử chỉ ân cần, giọng nói ấm áp, đôi mắt sáng nhân hậu của Người vẫn mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người dân nơi đây. Bến sông này, mái đình này còn in đậm dấu son chói lọi trong lịch sử đất nước bởi Xuân Biều chính là nơi đầu tiên trong cả nước đứng lên khởi nghĩa thắng lợi, đánh đổ bọn thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân tháng 3 năm 1945.
Dời bến Xuân Biều con thuyền nhẹ lướt trên sóng nước lăn tăn, chẳng mấy chốc bến Như Nguyệt đã hiện ra phía trước. Một chút dừng chân lên vùng đất thiêng bên bờ Bắc sông Cầu thuộc thôn Mai Thượng, xã Mai Đình. Nơi đây đã ghi lại chiến công oanh liệt của trận đánh mà quân dân ta dưới sự chỉ huy của Tướng tài dân tộc Lý Thường Kiệt đã tiêu diệt 30 vạn quân xâm lược nhà Tống mùa Xuân năm 1077. Xác hàng vạn quân xâm lược đã bị chôn vùi nơi đây, trên cánh đồng này. Đến nay nhân dân trong vùng vẫn gọi là cánh đồng Xác. Trong khí thế hào hùng cả dân tộc quyết chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược, Lý Thường Kiệt đã viết lên bài thơ thần bất hủ tạc tên Đất Việt ta lên sách Trời. Giữa mênh mông sông nước, lời thơ vang vọng cho mãi đến ngàn sau:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư…”
Dịch là:
“Sông núi nước Nam Vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách Trời…”.
Chùa Xác được xây dựng từ đó, vào ngày rằm, ngày Tết người dân nơi đây vẫn thắp hương cầu nguyện cho Quốc thái, dân an và cầu nguyện cả cho những linh hồn của những kẻ xâm lược được siêu thoát mà về với gia đình bên mãi phương Bắc xa xôi. Đó cũng là đạo lý vị tha của người dân đất Việt ta đó.
Rời cánh đồng Xác với niềm tự hào dân tộc, xuống thuyền xuôi theo dòng nước ta về thăm Đông Lỗ một vùng quê giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Nơi đây còn gìn gữ được ngôi đình cổ nhất Việt Nam - đình Lỗ Hạnh. Trải qua bao thăng trầm và biến đổi cùng đất nước, ngôi đình vẫn sừng sững uy nghiêm như để giáo dục cho con cháu thêm tự hào về truyền thống dân tộc. Dưới mái đình cổ kính rêu phong được thưởng thức những làn điệu ca trù do các ca nương của làng biểu diễn. Vừa xem hát vừa nhâm nhi chén trà thoang thoảng hương sen hương sen còn gì vui và hạnh phúc hơn thế.
Tạm biệt vùng quê giàu truyền thống văn hóa - lịch sử bên dòng sông Cầu huyền thoại với bao nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Phải chăng khí phách hào hùng của dân tộc, truyền thống anh dũng cần cù lao động, yêu cảnh sắc thiên nhiên, yêu làn điệu dân ca thấm đậm tình người của bao thế hệ người dân Hiệp Hòa cùng với dòng sông thơ mộng nước chảy lơ thơ ngàn đời nay đã tạo nên một cảm xúc khó quên cho những ai đã từng một lần đặt chân lên vùng đất thiêng Hiệp Hòa.
Mạnh Lê
Ảnh: Phương Nhung
từ hiephoa.bacgiang.gov.vn
Không có nhận xét nào