Lịch thảm sát và âm mưu đằng sau chiêu trò “tưởng niệm”
Trong những năm gần đây, cùng với phong trào “bài Hoa” cực đoan được khuếch trương trên các trang báo mạng, đội ngũ “dân chủ – dân oan” cũng rất tích cực trong việc tổ chức các buổi khua chiêng gõ mõ nhân danh sự “tưởng niệm” các nạn nhân trong các cuộc xung đột biên giới, biển đảo với Trung Quốc. Đất nước ta vừa trải qua gần một thế kỷ chìm đắm trong tang thương của đêm trường nô lệ và chiến tranh với hàng triệu người thiệt mạng nên không thể kể xiết những ngày, những sự kiện đáng để tưởng niệm. Chỉ cần sự kiện nạn đói Ất Dậu từ tháng 10/1944 đến tháng 5/1945 với hơn hai triệu người chết do tội ác của thực dân – phát xít thì ngày nào cũng là ngày có thảm sát và lễ “tưởng niệm” có lẽ sẽ kéo dài suốt nửa năm liên tục. Nhưng điều đáng nói là những người mạnh mồm kêu gào “tưởng niệm” lại lờ tịt những tội ác, những nạn nhân của các đội quân ngoại xâm khác, ngoại trừ Trung Quốc. Ví dụ như những tội ác dưới đây:
mylai2
Một hình ảnh về thảm sát Mỹ Lai
THÁNG 1
* Ngày 10/1/1966:
Tại Kim Tài, xã Nhơn Phong, An Nhơn, Bình Định, lính Hàn Quốc dồn hàng chục đồng bào vào một ngôi nhà, ném lựu đạn giết chết rồi châm lửa đốt…
THÁNG 2
* Một ngày tháng 2/1966 (Thảm sát Thái Bình – Quảng Nam)
Vào một buổi sáng sớm của tháng 2/1966, một toán quân thuộc Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ của Hàn Quốc đã tiến vào làng Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) trong một cuộc càn quét các du kích Giải phóng. Tuy vậy, chúng chỉ tìm thấy trong ngôi làng 68 người, hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em. Những con người vô tội và không có khả năng kháng cự này đã trở thành đối tượng để “Mãnh Hổ” trút giận. Bằng hàng loạt phát súng và cả một quả lựu đạn, lính Hàn Quốc đã giết hại dã man 65 người. Ba người may mắn sống sót trong vụ thảm sát sau đó đã trở thành nhân chứng tố cáo tội ác của Sự đoàn Mãnh Hổ. Để ghi nhớ sự kiện tang tóc này, một đài tưởng niệm khắc tên của 65 nạn nhân đã được dựng lên tại làng Thái Bình.
* Ngày 5/2/1966 (Thảm sát ở Bình Định):
Tại Thuận Đức, Nhơn Mỹ, An Nhơn, Bình Định, lính Hàn Quốc giết sạch hai gia đình 12 người, làm nhục 7 phụ nữ rồi thiêu sống; có 3 phụ nữ đi chợ gần sân bay Gò Quánh bị bọn lính sư Mãnh Hổ (Hàn Quốc) bắt, hãm hiếp rồi cắt đầu các chị cắm vào cọc phơi nắng.
Cũng trong ngày hôm ấy ở thôn Tư Cung, Phước Thắng (Tuy Phước), bọn lính Hàn Quốc đi càn, bắt 5 gia đình tập trung, bắn chết không sót một người…Tại Cát Thắng (Phù Cát), cũng bọn lính Hàn Quốc đã tàn sát tập thể 193 người, trong đó phần lớn cụ già, phụ nữ và trẻ em…
* Ngày 12/2/1968 (Thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị – Quảng Nam):
Lính của Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số 2 của Hàn Quốc đã hành quyết dã man 70 đến 80 phụ nữ, người già, trẻ em tại cây đa Dù ven quốc lộ 1A.
* Ngày 20/2/1951 (Thảm sát Cát Bay – Bình Thuận):
Đây là tội ác của thực dân Pháp gây ra tại làng Cát Bay, thôn Đông Bình, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nhằm trấn áp những người dân không hợp tác với thực dân xâm lược. Chúng bao vây làng và lùng sục từng nhà, bắt mọi người tập hợp trước sân rồi xả súng tiểu liên giết sạch. Chúng đốt nhà, giết hết trâu bò, có trường hợp chúng xé xác trẻ con ném vào lửa, hãm hiếp phụ nữ rồi giết… Bọn chúng không từ một hành động man rợ nào. Phần lớn các nạn nhân đều là những phụ nữ, trẻ em và các thường dân vô tội.
Chỉ trong 1h đồng hồ, giặc Pháp đã sát hại 311 người, trong đó có 14 gia đình gồm 96 người bị chúng giết sạch, tuyệt tự không người hương khói. Gia đình ông Trần Giác và ông Lục Minh Huệ gồm 8 người đã bị chúng bắn chết đầu tiên. Có nhà chúng bắn sạch mấy chục người từ cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác, cô, dì như dòng họ nhà ông Phạm Tôn, chúng giết gần 70 người.
* Ngày 25/2/1969 (Thảm sát Thạnh Phong – Bến Tre)
Biệt kích SEAL của quân đội Mỹ, do Bob Kerrey chỉ huy, giết hại 21 thường dân gồm người già, phụ nữ và trẻ em. Sau chiến dịch trên Bob Kerry được nhận huân chương Ngôi sao Đồng vì thành tích “tiêu diệt 21 Việt cộng. Kerrey từng làm thống đốc Nebraska, thượng nghị sĩ và tham gia tranh cử tổng thống, hiệu trưởng Đại học New School ở New York.
* Ngày 26/2/1966 (Thảm sát Bình An – Bình Định):
Trước đó, vào ngày 23-1-1966, lính Hàn Quốc bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công vào Bình An. Quân địch bao vây từ 4 phía với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta, nhưng đã bị đánh trả quyết liệt. Tức tối vì không đạt được mục đích, chúng quay sang đốt phá thóc gạo, nhà cửa và giết hại dân lành. Hơn 100 thường dân, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em đã bị giết trong trận càn này, mở đầu cho một chiến dịch tàn sát trả thù hết sức dã man.
Với khẩu hiệu “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, ngày 7-2-1966, các đơn vị lính Nam Hàn mở màn một chiến dịch hành quân khủng bố tàn bạo chưa từng có. Ngay trong ngày đầu chiến dịch (7-2-1966), lính Nam Hàn đã giết chết 58 người. Riêng tại khu vườn nhà ông Phạm Chương (thôn An Vinh) chúng đã xả súng bắn chết một lúc 64 người.
Từ 10 giờ sáng ngày ngày 12-2, lính Nam Hàn bắt đầu cuộc tàn sát tại thôn Bính Đức. Chúng xả súng bắn vào bất cứ ai gặp trên đường hoặc bắt rồi hành hạ cho đến chết. Đặc biệt ở khu nghĩa địa, chúng đã dã man trói người vào các tấm bia mộ rồi để phơi nắng cho đến lúc chết khô. Vào khoảng 1 giờ trưa, quân địch kéo sang chợ Sông Cạn (thôn Nhơn Thuận), dồn tất cả 33 người dân bị bắt vào bãi chợ rồi xả súng trung liên bắn chết. Xác người nằm chồng chất lên nhau. Chưa hả, 5 giờ chiều ngày hôm đó bọn lính khát máu lại gây ra một vụ thảm sát ở Lỗ Sỏi, 40 người dân vô tội bị giết một lúc. Chỉ trong một ngày thảm sát, lính Nam Hàn đã giết chết 109 người.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tận cùng của tội ác. Những cuộc tàn sát rùng rợn nhất xảy ra vào giai đoạn cuối của trận càn. Từ ngày 15-2 đến ngày 26-2, chúng đã sát hại gần 600 người, chủ yếu tập trung vào hai ngày 23-2 và 26-2. Chứng tích về vụ tàn sát tập thể ngày 23-2 là khu vườn nhà ông Trương Niên ở thôn An Vinh. Tại đây chúng đã dồn 90 người dân tới, dùng súng trung liên bắn chết sạch không trừ một ai.
Ngày 26-2 đi vào lịch sử Bình An cũng như lịch sử tỉnh Bình Định như là một ngày đẫm máu và nước mắt với sự kiện thảm khốc diễn ra tại Gò Dài (thôn An Vinh). Trước khi kết thúc chiến dịch thảm sát kéo dài 3 tuần lễ, bọn lính Nam Hàn đã dồn tất cả những người chúng bắt được ở các nơi về đây. Như những con dã thú, chúng đã giết hại 380 người bằng những hành động man rợ nhất. Chúng điên cuồng hãm hiếp phụ nữ rồi giết chết dã man bằng cách dùng lưỡi lê đâm vào cửa mình, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em…
Chiến dịch thảm sát của địch đã để lại cho Bình An những hậu quả thật thê thảm. Tổng cộng có trên 1.000 dân lành bị giết hại, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. 1.535 trong tổng số 1.592 ngôi nhà bị tàn phá, 649 con trâu, bò bị chết… Di tích còn lại về vụ thảm sát Gò Dài là một ngôi mộ tập thể dài 33m, rộng 1,5m chôn xác 380 nạn nhân.
* Ngày 25/2/1968 (Thảm sát Hà My – Quảng Nam):
Lữ đoàn Rồng Xanh (Hàn Quốc) đã tàn sát 135 dân thường gồm người già, phụ nữ và trẻ em sau đó chôn trong những hố chôn tập thể.
THÁNG 3
* Ngày 9/3/1979 (Thảm sát Tổng Chúp – Cao Bằng)
Lính Trung Quốc đã dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em sau đó quăng xuống giếng nước.
* Ngày 16/3/1968 (Thảm sát Mỹ Lai – Quảng Ngãi):
Lính Mỹ đã xả súng sát hại 504 người dân vô tội, trong đó có 182 phụ nữ (17 người mang thai), 173 trẻ em (56 trẻ sơ sinh), 60 cụ già, 89 trung niên, 247 ngôi nhà, lương thực, gia súc bị giết đốt sạch.
THÁNG 4
* Một ngày tháng 4/1967 (Thảm sát tại xã Hòa Đồng, Tuy Hòa, Phú Yên):
Lính Hàn Quốc đã giết và thả xuống giếng 13 người dân ở Hòa Đồng, trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai.
Nguồn: http://www.baophuyen.com.vn/…/hoa-dong-tu-mua-kho-1967-den-…, http://www.newsweek.com/apocalypse-then-157805
* Ngày 18/4/1978 (Thảm sát Ba Chúc – An Giang):
Khoảng 3 giờ chiều ngày 18/4/1978, bọn Polpot (Campuchia) tràn vào giữa làng, bao vây chùa Phi Lai bắn phá điên cuồng, chỉ trong chớp mắt, đã cướp đi sinh mạng 80 người dân vô tội. Đây được coi là ngày định mệnh của dân Ba Chức, tại cánh đồng cạnh cây cầu sắt Vĩnh Thông, bọn Polpot đã thực hiện cuộc hành quyết nhân dân ta vô cùng man rợ. Chúng áp tải nhân dân từ chùa Tam Bửu ra cầu sắt Vĩnh Thông, bắt bà con lột hết nữ trang, rồi đẩy từng tốp 20-30 người đến gò đất gần cây cầu để giết hại. Cuộc hành quyết vô cùng thảm khốc với 800 đồng bào bị giết chết. Bọn “ác thú” không còn tính người này còn chơi trò giết hại trẻ em theo kiểu tàn khốc nhất. Chúng tung trẻ em lên cao, rồi giơ lưỡi lê hứng. Thậm chí, chúng còn cầm tay chân xé các em nhỏ đứt làm đôi. Không còn hành động man rợ nào mà chúng không đem ra làm trò tiêu khiển.
Trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ đã giết chết 3.157 dân thường, hơn 100 dòng tộc bị giết không còn ai. Toàn bộ các công trình công cộng, nhà cửa, trường học, chùa… bị tàn phá, hư hỏng nặng nề.
THÁNG 6
* Ngày 14/6/1972 (Thảm sát Nam Ngạn – Thanh Hóa)
Máy bay Mỹ gồm bốn chiếc từ biển Đông lao thẳng về cầu Hàm Rồng rồi trút bom xuống đầu hơn 2.000 người đang đắp đê sông Mã, cách cây cầu 1 km, làm chết và bị thương hàng trăm người, hầu hết là các nữ sinh, giáo sinh và giáo viên ở các trường của tỉnh.
THÁNG 8
* Ngày 14/8//1968 (Thảm sát Duy Trinh – Quảng Nam)
Sáng ngày 14/8//1968, lính Hàn Quốc đóng tại Hòn Bằng, cách làng Duy Trinh (Quảng Nam) chừng 400 m bắt đầu càn vào làng. Quân địch phát hiện ra căn hầm nhà bà Thiệu tại xóm Mỹ An, liền ra lệnh mọi người ra khỏi nơi ẩn nấp, đứng xếp hàng trên miệng hầm. Một lát sau, chúng bắt tất cả trở lại hầm rồi bắt đầu cuộc giết chóc. Rất lạnh lùng, lính Hàn Quốc thay nhau cứ bắn một phát lại ném một quả lựu đạn xuống hầm. Có tất thảy 14 người toàn bà già, phụ nữ, trẻ em vô tội bị sát hại thảm thương. Tất cả đều vùi trong căn hầm mà sau này trở thành ngôi mộ chung của họ.
Toán lính Hàn Quốc tiếp tục kéo qua xóm Vĩnh An cách đó chỉ chừng trăm mét. Vẫn hành vi man rợ như cũ, chúng lùa mọi người xuống hầm, lạnh lùng bắn một phát súng lại ném một quả lựu đạn. 18 thường dân vô tội khác đã thiệt mạng. Tổng cộng, 32 đồng bào đã bị giặc giết trong vụ thảm sát ở làng Duy Trinh.
THÁNG 9
* Ngày 12/9/1930 (Thảm sát Hưng Nguyên – Nghệ An)
Ngày 12/9/1930 thực dân Pháp cho máy bay ném bom xuống các đoàn biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên (cách Bến Thủy mười cây số), làm chết 217 người và 120 người bị thương. Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị triệt hạ, 217 nóc nhà bị đốt cháy, 30 người bị bắn chết.
THÁNG 10
* Ngày 9/10 và 13/10/1966 (thảm sát Diên Niên, Phước Bình – Quảng Ngãi)
Vào sáng ngày 9/10/1966, một trung đội lính Hàn Quốc thuộc Tiểu đoàn 3 – Lữ đoàn Rồng Xanh bắt đầu càn quét vào thôn Phước Bình, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chúng lùng sục tất cả nhà dân và hầm chống phi pháo, cưỡng bức nhân dân xóm Bình Trung (thôn Phước Bình) tập trung về sân trường học của thôn. Sau khi tập trung dân, chúng bắt đầu xả súng và ném lựu đạn vào nhóm dân thường. Vụ giết chóc này làm 68 người dân thôn vô tội ngã xuống, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em. Ngày 13/10, quân “Rồng Xanh” tiếp tục càn quét và hại thêm 112 người dân vô tội ở thôn Diên Niên gần đó.
Tổng cộng, trong hai ngày 9/10 và 13/10/1966, lính Hàn Quốc đã tàn sát 280 phụ nữ và trẻ em ở hai thôn Diên Niên, Phước Bình.
THÁNG 11
* Ngày 29/11/1947 (Thảm sát Mỹ Trạch – Quảng Bình)
Trong gần 3 tiếng đồng hồ từ 5 giờ sáng đến 8 giờ sáng, bọn lính Pháp và lính lê dương từ ba hướng tràn vào làng, gặp ai là bắn ngay mặc những tiếng gào thét của bà già, trẻ con. Nhiều nhà bị chúng xông vào bắn chết cả gia đình rồi đốt nhà thiêu xác. Sau đó chúng dồn những người còn sống sót tập trung ở móng cầu sắt Mỹ Trạch rồi đặt ba khẩu súng liên thanh chĩa vào dân làng để uy hiếp tinh thần, bắt dân khai báo cơ sở Đảng và cán bộ Việt Minh, bắt hô khẩu hiệu phản động chống lại Đảng, chống lại Việt Minh, chống lại phong trào kháng chiến. Dân làng Mỹ Trạch phản đối bằng cách im lặng không khai báo, không hô khẩu hiệu. Bọn chúng lồng lộn điên cuồng bắn giết những người dân vô tội. Cả trăm người ngã xuống móng cầu, xuống sông Kiến Giang, dòng sông nhuốm đỏ máu dân lành. Đến khoảng 11 giờ, bọn giặc mới rút khỏi làng nhưng trên đường đi chúng còn nhẫn tâm sát hại nhiều dân thường ở một số làng lân cận.
Trong vụ thảm sát ngày 29/11, riêng làng Mỹ Trạch bị giặc đốt cháy 326 nóc nhà, bắn chết 310 người. Trong số đó, có 86 hộ có người bị chết, 19/86 hộ bị giết cả nhà, nam giới: 140 người, nữ giới: 170 người, trẻ em: 157 người; trong đó có 21 trẻ em dưới 1 tuổi. Từ 18 – 50 tuổi có 59 người hầu hết là phụ nữ (nhiều phụ nữ có thai và những người tàn tật).
THÁNG 12
* Ngày 6/12/1/66 (Thảm sát Bình Hòa – Quảng Ngãi)
Ngày 3/12/1966, nhằm trả đũa các hoạt động du kích của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, lính Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc càn quét tại xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Trong vòng ba ngày, tại 5 địa điểm: buồng đất nhà ông Trắp, hố bom Truông Đình, Dốc Rừng, Đồng Chồi Giữa, đám ruộng giếng xóm Cầu, lính Hàn Quốc đã giết hại hàng trăm dân thường một cách dã man. Cao điểm là vào chiều ngày 6/12, người dân đã bị cưỡng bức tập trung lại rồi bị lính Hàn Quốc đồng loạt xả đạn, khiến 267 người thiệt mạng.
Tổng cộng, trong thảm sát Bình Hoà, lính Hàn Quốc đã giết hại 430 người, trong đó có 269 phụ nữ (12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến chết), 104 người già, 174 trẻ em. 3 gia đình bị giết sạch không còn một ai.
* Ngày 26/12/1972 (Thảm sát Khâm Thiên – Hà Nội)
Mỹ đã ném bom đã giết chết 287 người trong đó có 40 cụ già và 55 em nhỏ. Nhiều gia đình không ai sống sót. Toàn bộ 6 khối phố ở Khâm Thiên hầu như bị xoá sạch trong đêm.
***
Trong quá trình thu thập tài liệu về các vụ thảm sát tôi đã không khỏi rơi nước mắt vì xúc động và trong lòng trào lên niềm căm phẫn. Xin mọi người hãy dành một phút mặc niệm hoặc thắp một nén hương tưởng nhớ đến đồng bào của chúng ta! L
Có thể nói chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra đối với Việt Nam thực chất là một cuộc “đại thảm sát” mà trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa bao giờ và chưa có nơi nào trên trái đất đã diễn ra một cuộc tàn sát, hủy diệt kéo dài với quy mô rộng lớn trên một diện tích nhỏ hẹp như cuộc chiến tranh Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam.
– Mỹ đã ném xuống Việt Nam 15 triệu tấn bom đạn, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ II, giết chết hơn 3 triệu người trong đó có 2/3 là dân thường.
– Số bom đạn còn sót lại chưa nổ trên đất nước ta ước tính khoảng 800 nghìn tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc. Sau 40 năm qua, cả nước đã có trên 42.000 người chết và 62.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Bình quân mỗi năm có trên 1.500 người chết và gần 2.300 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra, trong đó có rất nhiều trẻ em. Theo tính toán của cơ quan chức năng, muốn rà phá hết bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, cần hàng chục tỷ USD và kéo dài trong nhiều năm.
– Mỹ đã trút xuống Việt Nam 76 triệu lít chất diệt cỏ hủy hoại môi trường và làm cho 3 triệu người trở thành nạn nhân của chất độc da cam.
Góp phần vào cuộc đại thảm sát ấy có sự tham gia tích cực của lính Hàn Quốc. Số người Việt Nam bị thảm sát do lính Hàn Quốc là khoảng 2.400 người.
Trên đây tôi đã cung cấp một số thông tin về các vụ thảm sát nổi bật mà bọn xâm lược đã gây ra cho nhân dân Việt Nam của chúng ta. Thực tế thì số vụ giết chóc chưa được đưa ra ánh sáng còn nhiều hơn gấp nhiều lần!
Một số thông tin khác liên quan đến tội ác quân đội Hoa Kỳ khi giải mật hồ sơ những vụ thảm sát tại Việt Nam, theo báo Los Angeles Times, Baltimore Sun ở Mỹ, Cơ quan Lưu trữ Hồ sơ và Tài liệu Quốc gia (NARA) của Hoa Kỳ đã có hơn 9.000 trang tư liệu, hồ sơ cung cấp chi tiết về 320 cuộc thảm sát lớn nhỏ đã được cơ quan điều tra của quân đội Mỹ xác minh và có những bằng chứng cụ thể. Nhưng trong 320 cuộc thảm sát này lại không có Thảm sát làng Sơn Mỹ, cuộc thảm sát ghê rợn và chấn động quốc tế, cho thấy còn rất nhiều tội ác thảm sát, trong đó có những vụ thảm sát tương đương mức độ như thảm sát Sơn Mỹ của quân đội Mỹ tại VN mà chưa được ghi nhận đầy đủ, những hồ sơ còn nhiều thiếu sót, còn nhiều cuộc thảm sát không được đưa vào hồ sơ, hoặc bị che giấu bưng bít thành công.
Các vụ việc còn lưu giữ trong hồ sơ NARA có thể kể đến: Bảy vụ thảm sát lớn từ 1967 đến 1971, mỗi vụ có ít nhất 137 người dân bị giết, 78 vụ thảm sát khác vào những người dân thường, mỗi vụ có ít nhất 57 người bị giết và 56 người bị gây thương tật, 15 vụ hãm hiếp hàng loạt, hiếp trước giết sau, 141 vụ tra tấn vô nhân đạo vào thường dân hoặc tù binh chiến tranh. Ngoài 320 trận thảm sát được xác minh, hồ sơ còn có những tài liệu có liên quan đến hơn 500 hành động tàn ác mà các điều tra viên chưa thể chứng minh hoặc không được quan tâm đến.
Chiến tranh đã đi qua mấy mươi năm nhưng vết tích tội ác của quân thù vẫn còn đó. Chúng ta không bao giờ và không được phép quên những tội ác tày trời của kẻ thù. Tuy nhiên chúng ta sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng đến tương lai vì một môi trường hòa bình, vì hạnh phúc của nhân dân.
Điều chúng ta cần làm là lên án và vạch trần bộ mặt kinh tởm của bọn dân chủ cuội, bọn phản động đang xuyên tạc lịch sử, chạy tội cho giặc, lợi dụng lịch sử và nỗi đau của đồng bào để chống phá nhà nước, gây rối an ninh trật tự, rối loạn nhân tâm để nhận những đồng tiền nhơ bẩn của ngoại bang! Không khó để thấy việc “tưởng niệm” của chúng thực ra chỉ là chiêu trò kích động sự hận thù dân tộc giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc để cho những kẻ nào đó đứng ngoài “tọa sơn quan hổ đấu” và “ngư ông đắc lợi”. Trong tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay, khi mà chính quyền Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng bành trướng của mình thì hành động của những kẻ lợi dụng xương máu của những thế hệ đi trước vì lợi ích cá nhân chính là tiếp tay cho tham vọng của họ.
Không có nhận xét nào