Recent comments

ads header

Chủ đề "hot"

"Niềm tự hào Việt Nam" hay bày đặt thể hiện bản thân?


Từ một bài viết trên báo Tuổi trẻ Online (MSN đăng lại tại đây) "World Cup thì liên quan gì, sao lại 'tự hào Việt Nam'?", tôi chợt nhận ra một biểu hiện thích thể hiện bản thân, mặc dù "trớt quớt" của một bộ phận người Việt.
1. Lá cờ Việt Nam ở khán đài World Cup
Trong bài viết trên, và nhiều hình ảnh truyền hình khác có trên mạng xã hội, ta có thể thấy "niềm tự hào dân tộc" này được thể hiện phô trương một cách cố ý ngay sân vận động, nơi diễn ra ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, mặc dù chẳng liên quan gì tới nội dung của cái "niềm tự hào" đó. Một (hay nhiều) nhóm người vừa ngồi trên sân vận động xem World Cup, vừa giương lá cờ Việt Nam với khẩu hiệu "tự hào Việt Nam", dù người ta khó hiểu không biết Việt Nam có liên quan gì ở đó để mà tự hào.
Đội tuyển bóng đá Việt Nam vẫn dậm chân ở vòng loại World Cup, nói gì đến việc tham gia. Người Việt Nam tham dự sự kiện này chỉ với tư cách khán giả, nhưng quốc kì Việt Nam giương ra một cách vô duyên, chắc chỉ thiếu mỗi câu "Việt Nam vô địch"! Đó rõ ràng là một sự không liên quan, mà tôi cho rằng, hiện tượng trên là bởi những nguyên nhân sau:
- Người ta muốn khoe là có tiền bay sang Nga coi World Cup, hoặc được sống ở Nga cùng mác "Việt kiều" coi World Cup, hổng lẽ khoe cho khán giả qua màn ảnh nhỏ ở Việt Nam biết là "tui có tiền bay qua đây coi nè nhe", "tui là Việt kiều nè nhe", nó kì cục quá, lộ liễu quá. Thay vào đó, giương quốc kì Việt Nam lên làm cái bình phong, lấy "niềm tự hào là người Việt Nam", "dòng dõi con Rồng cháu Tiên" ra làm cái lý do để người ta nhìn vào thấy được "sự tốt đẹp" của "lòng yêu nước" và "tự hào dân tộc", vừa đạt được mục đích muốn khoe mẽ một cách kín đáo.
- Muốn "thể hiện bản thân" mình là người "yêu nước" nồng nàn, có "tinh thần dân tộc", nói rộng ra là để thể hiện mình là người "có đạo đức" tốt đẹp.
- Và sâu xa hơn, nguyên nhân gốc rễ là nằm ở cái tôi của mỗi người. Cái tôi này có nhu cầu thể hiện mình ra, thích được người khác công nhận và nể trọng.
Tháp nhu cầu Maslow
Theo mô hình tháp nhu cầu Maslow, ngoài 2 nhu cầu phía dưới, con người còn muốn được hoà hợp, được là một phần của tập thể. Đó là một nhóm người Việt trên sân vận động hợp lại ngồi gần nhau, muốn mình là một người trong nhóm người Việt Nam.
Cao hơn nữa, là nhu cầu được tôn trọng - cụ thể là để người khác thấy mình "yêu nước", "có tinh thần dân tộc". Và trên cùng là để thể hiện bản thân mình - "được ở Nga",  "có tiền bay sang Nga".
Dĩ nhiên, tháp nhu cầu này đúng với hầu hết mọi người. Và nhu cầu thể hiện bản thân không phải là nhu cầu của riêng ai. Chỉ có điều, phải thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh. Thay vì thể hiện mình tài năng, học giỏi, có thành tích nghiên cứu, công trình khoa học hay thành đạt bằng năng lực thật sự này nọ, muốn khoe ra để được đánh giá cao; thì lại thể hiện một cách không liên quan, "trớt quớt" ra, giương quốc kì Việt Nam tại sân chơi của các nước khác. Cũng vì nhu cầu muốn thể hiện mình cao quá, mà đôi khi thực tế chưa có gì đáp ứng, nên lấy tạm lý do, lấy cái gì đó để có cái dựa vào mà "thể hiện" là vì vậy.
Cũng vì sung quá, muốn thể hiện quá mà ra.
2. "U23 Việt Nam vô địch"
Dù đội tuyển U23 Việt Nam đạt thành tích Huy Chương Bạc tại Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018, sau trận Chung kết, nhiều người Việt Nam xuống đường reo hò, phất cờ với khẩu hiệu "Việt Nam vô địch".
Trong khi đó, tôi thấy lúc Việt Nam lên đường tham dự giải này thì mấy ai chú ý tới, trong khi đó sau các trận Tứ kết, rồi Bán kết, người ta thi nhau đổ ra đường, gào rú inh ỏi, mua cờ mua khăn phất phới rầm rộ, với lý do là "ăn mừng", "cổ vũ tinh thần" cho đội tuyển U23 Việt Nam.
Hàng xóm nhà tôi cho con đi học thêm, sau trận Bán kết chiều liền bắt con về sớm, chạy ngay ra trung tâm thành phố để đi "bão". Đi "bão" là chạy xe ra đó lượn mấy vòng, mua cờ phất qua phất lại, la làng lên kiểu "Việt Nam vô địch" rồi đi về.
Sao tôi thấy mấy cái hành động đó tào lao quá. Mừng thì mừng, đâu cần phải ra đường rần rần gây kẹt xe, bắt con đi học về sớm đi làm mấy cái hành động vô bổ đó? Không lẽ làm mấy cái đó để đội tuyển U23 Việt Nam thấy thì sẽ được "động viên tinh thần" thi đấu tốt hơn chăng? Hay vì mừng quá nên muốn mình là một phần của một tập thể, để thể hiện sự "tự hào" đó ra?
Nếu là như vậy thì thành ra lố rồi.
Cũng vì sung quá, muốn thể hiện quá mà ra.
3. Công nhân Bình Dương đấp phá nhà máy năm 2014
Năm 2014, chính quyền Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 tại hải phận Việt Nam. Nhà nước Việt Nam và người dân phản ứng dữ dội, trong đó có vụ công nhân Bình Dương đình công, đập phá nhà máy Trung Quốc.


Thật sự tôi không hiểu nổi, trong vụ này, công nhân nghĩ gì, hay bị kích động làm sao mà hành động như vậy. Không lẽ họ nghĩ rằng, làm vậy thì chính quyền Trung Quốc thấy sợ quá, đi rút giàn khoan về hay sao? Cái tôi thấy chính là họ đang quậy tình hình Việt Nam, đập phá nhà máy làm chính bản thân họ và nhiều người khác thất nghiệp.
Và nguyên nhân cũng vì muốn tham gia vào một "tập thể" yêu nước, muốn thể hiện mình là người yêu nước. Nhất là với đối tượng công nhân, thường trình độ không cao, trong đời hiếm có cơ hội nào để được người khác coi trọng, công nhận, thì lúc mà Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 là lúc mà họ có cơ hội "thể hiện bản thân" mình, cho người ta thấy mình cũng là người yêu nước, mặc dù hành động của họ là vô nghĩa và vô ích.
Cũng vì sung quá, muốn thể hiện quá mà ra.
Mà cho dù có sung, có nhu cầu muốn thể hiện bản thân, thì cũng nên chọn lúc, chọn dịp và chọn hoàn cảnh thích hợp mà thể hiện. Chứ không đúng lúc, đúng hoàn cảnh mà lại đi bày đặt thể hiện ra cho thoả nhu cầu đó, như vụ giương quốc kì Việt Nam chỗ World Cup, cổ vũ "Việt Nam vô địch" dù được hạng nhì, hay đập phá nhà máy vô nghĩa thì thành ra lố và lãng nhách rồi.
Theo Lịch sử VN từ spiderum.com

Không có nhận xét nào