Cảnh giác với chiêu lừa giới thiệu hàng hóa, bán hàng khuyến mại
Theo khuyến cáo của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bắc Giang, người tiêu dùng cần cảnh giác với chiêu lừa đảo tinh vi của một số cá nhân mượn danh doanh nghiệp để tổ chức giới thiệu hàng hóa, bán hàng khuyến mại tại địa bàn dân cư.
Ảnh minh họa
Theo đó, gần đây, người dân một số địa phương trong tỉnh kiến nghị về thủ đoạn tinh vi, núp bóng của một số cá nhân mạo danh doanh nghiệp, qua mắt chính quyền một số địa phương thông qua việc phối hợp với thôn, tổ dân phố, tổ chức hội đoàn thể ở cơ sở để mời người tiêu dùng đến nhà văn hóa hoặc một địa điểm thuận lợi để nghe giới thiệu sản phẩm và tham gia mua hàng khuyến mãi.
Chiêu thức lừa là họ giới thiệu sản phẩm hoặc tư vấn, khám bệnh miễn phí rồi bán hàng có giá trị thấp, sau đó tặng lại tiền (trong phong bì dán kín) có giá trị bằng giá trị sản phẩm mà mình đã mua trước đó. Rồi lại bán hàng với giá trị cao hơn, sau lại tặng lại với giá trị tương đương với sản phẩm đã mua (như là cho không). Từ đó kích thích lòng tham của người tiêu dùng tưởng là sẽ tiếp tục được thưởng lại nên mua tiếp những sản phẩm có giá trị rất cao. Đồng thời còn tuyên truyền cho nhiều người cùng mua. Khi bán đến những sản phẩm giá trị lớn, sau khi mọi người nhận hàng xong và chờ “được tặng quà” thì các đối tượng nhanh chóng chào và lên xe đi thẳng.
Sau khi các đối tượng rút đi, xem lại các sản phẩm mình đã mua có sản phẩm là hàng giả, có sản phẩm là hàng lỗi mốt, đặc biệt là sản phẩm cuối cùng họ tính giá quá cao, nếu cộng cả những sản phẩm được tặng trước thì chênh lệch rất lớn, quá thiệt hại cho người tiêu dùng. Khi đó muốn khiếu nại cũng không được vì tên và địa chỉ đơn vị bán hàng không có hoặc không rõ ràng, liên hệ lại không được, hóa đơn bán hàng không có…
Thậm chí chúng còn có thủ đoạn tinh vi là khi bán hàng cho người dân, chúng đã hỏi lại người mua “có thắc mắc gì với sản phẩm đã mua không”? Vì không hiểu rõ sản phẩm và còn vì tưởng “được cho không" nữa nên người mua đều trả lời là không có vấn đề gì. Từ đó đã tạo kẽ hở cho họ lợi dụng. Một thủ đoạn chung của hành vi lừa đảo trên là chúng đều khai thác, lợi dụng tâm lý hám lợi, mua hàng khuyến mại của người tiêu dùng.
Trước tình hình trên, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tổ chức và doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, công nhân, viên chức, hội viên của mình hiểu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hiểu về quyền và trách nhiệm khi tiêu dùng hàng hóa và sử dụng dịch vụ, luôn cảnh giác với những thủ đoạn lừa dối nhằm móc túi người tiêu dùng ngày càng tinh vi. Chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan trực thuộc, tuyệt đối không để cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa, địa điểm tại địa phương để lừa dối người tiêu dùng.
Đối với các Chi hội, các thành viên Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người tiêu dùng hãy nêu cao vai trò của mình, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ các nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn kèm theo. Vận động toàn thể hội viên, người tiêu dùng, các đơn vị và doanh nghiệp hãy cảnh giác, tìm hiểu và thực hiện đúng Luật. Vận động người tiêu dùng trên địa bàn khi mua hàng và sử dụng dịch vụ không hám lợi, hãy nêu cao vai trò của chính mình để tự bảo vệ lấy mình. Đồng thời làm đầy đủ các thủ tục cần thiết khi mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ, giúp quá trình khiếu nại và xử lý khi bị xâm hại thuận lợi hơn. Chú ý lắng nghe, tiếp nhận, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trao đổi, phản ánh, kiến nghị về những điều mắc phải khi tiêu dùng hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Nếu phát hiện thủ đoạn lừa dối người tiêu dùng hãy phản ánh ngay đến các cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có biện pháp xử lý.
Nguyễn Phương
Không có nhận xét nào