Khuyến học ở Hiệp Hòa phát triển tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục
Ảnh: Trao quỹ khuyến học tại khu 4 (Thị Trấn thắng)
Những năm qua, công tác khuyến học của huyện Hiệp Hòa luôn được cấp ủy, chính quyền và đoàn thể quan tâm, đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong mỗi gia đình, dòng họ. Qua đó tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục của huyện.
Đã thành thông lệ, cứ chuẩn bị năm học mới hội khuyến học của khu 4 thị trấn Thắng lại tổ chức gặp mặt động viên và trao tặng những phần thưởng cho các cháu học sinh học giỏi trong năm học vừa qua. Năm nay hội nghị đã tuyên dương, khen thưởng gần 250 học sinh các cấp với mức thưởng: Học sinh tiên tiến 20 nghìn, học sinh giỏi cấp trường 30 nghìn và học sinh giỏi cấp huyện là 50 nghìn. Tổng kinh phí dành cho khen thưởng trong đợt này là hơn 6 triệu đồng.
Hiện tại nhiều địa phương giống như khu 4 thị trấn Thắng đang chuẩn bị cho buổi lễ động viên, khen thưởng học sinh học giỏi. Bởi hiện nay trên địa bàn huyện Hiệp Hòa phong trào khuyến học đã phát triển mạnh mẽ vừa rộng vừa sâu. Tất cả các xã, thôn, khu phố, trường học đều có tổ chức hội khuyến học. Đặc biệt song hành cùng thôn, khu phố, trường học thì đến nay Hiệp Hòa có có tới 639 ban khuyến học dòng họ, phủ kín mọi ngõ xóm. Tổng số hội viên của các ban, chi hội tới 22.534 người. Số hội viên đông đảo, số người tham gia đóng góp kinh phí càng nhiều hơn. Theo ông Phạm Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học huyện Hiệp Hòa cho biết: Tính đến 31/7/2018, tổng các nguồn quỹ khuyến học toàn huyện tới 8,6 tỷ đồng, tăng 585 triệu đồng so với năm 2017. Những địa phương huy động lượng quỹ nhiều gồm các xã: Đức Thắng, Đông Lỗ, Đoan Bái, Hoàng An và Hợp Thịnh. Riêng xã Đức Thắng, tổng nguồn quỹ luôn đạt 1,5 đến 1,6 tỷ đồng. Thực tế, toàn bộ số kinh phí trên chủ yếu dành hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; khen thưởng các giáo viên và học sinh có nhiều thành tích trong giảng dậy, học tập.
Ảnh: trao phần thưởng cho học sinh giỏi tại thôn Dinh Đồng (Thường Thắng)
Hình thức khen thưởng học sinh học khá giỏi của các chi hội, dòng họ cũng đa dạng phong phú, bằng tiền mặt; hiện vật là đồ dùng học tập; cũng có khi là chuyến thăm quan một điểm di tích lịch sử như: Di tích ATK Hoàng Vân (Bắc Giang); Đền Đô (Bắc Ninh); Lăng Bác hay Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)… Qua đó tạo động lực để thầy cô giáo, học sinh và những người làm khuyến học phấn đấu, rèn luyện. Đáng chú ý, những học sinh giỏi, có nhiều thành tích ở khối THPT đều được xem xét kết nạp vào Đảng. Việc làm trên đã có tác dụng thúc đẩy các lứa học trò phấn đấu, luyện rèn. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã có 68 học sinh được kết nạp Đảng. Được kết nạp vào Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông là động lực để học sinh phấn đấu hơn đạt kết quả cao trong học tập và tích cực tham gia hoạt động của nhà trường.
Những hoạt động của Hội khuyến học các cấp đặc biệt tại những dòng họ đã kịp thời động viên khích lệ các em học sinh phấn đấu vươn lên. Điển hình như dòng họ Nguyễn Đăng (Đức Thắng); La, Ngô (Xuân Cẩm); Dương (Hoàng An); Lê (Đông Lỗ)… Do biết động viên, khích lệ nên những dòng họ này đều có nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao. Điển hình dòng họ La thuộc xã Xuân Cẩm, nhờ làm tốt công tác khuyến học, đến nay con, em nhiều người thành đạt. Hiện trong dòng họ có 1 Giáo sư, 1 Phó Giáo sư; 7 tiến sĩ và hàng trăm cử nhân. Quỹ khuyến học dòng họ luôn tới vài chục triệu đồng. Không những thế phong trào khuyến học phát triển đã góp phần tích cực vào sự phát triển và thành tích giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục của huyện có nhiều tiến bộ, mạng lưới trường lớp được củng cố; cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về đào tạo chuyên môn nghiệp vụ với tỷ lệ cao; kỷ cương, nề nếp trong nhà trường được tăng cường. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 99,66%. Hằng năm có gần 1.500 lượt học sinh giỏi các cấp (quốc gia, tỉnh, huyện) được khen thưởng.
Khánh Hòa
Không có nhận xét nào