Mô hình hội quán ở Hiệp Hòa: Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm
Người dân tự nguyện góp đất, sản xuất tập trung, giúp đỡ nhau canh tác; liên kết bao tiêu hàng hóa - đó là hoạt động của mô hình hội quán (HQ) tại huyện Hiệp Hòa. Với phương thức tập hợp sản xuất kiểu mới, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả.
Thay đổi tư duy sản xuất
Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Đắc Khanh, thôn Nội Thổ, xã Bắc Lý đang tập trung thu hoạch rau xà lách Hà Lan trong khu nhà màng rộng hơn hai nghìn m2. Được biết, trên diện tích này, những năm trước ông trồng các loại rau chế biến theo phương pháp thông thường. Đây là vụ đầu tiên ông Khanh tham gia sản xuất rau VietGAP trong nhà màng.
Theo đó, ông đầu tư khoảng 600 triệu đồng, thuê lao động trồng rau bằng quy trình công nghệ cao (CNC) bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ông cho biết: “Tôi được mọi người trong HQ nhà màng vận động tham gia và giúp đỡ áp dụng phương pháp sản xuất mới, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Thu hoạch rau trong nhà màng của gia đình ông Nguyễn Đắc Khanh
Hiện rau thu hoạch được Công ty Get Việt Nam (Hà Nội) mua với giá 9,3 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 13 triệu đồng/sào/vụ”. Tham gia sản xuất trong HQ nhà màng, các hộ không lo khâu tiêu thụ vì đã ký kết với nhiều công ty. Hằng tuần, cán bộ đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm đến kiểm tra, hướng dẫn cách làm nên hiệu quả lao động cao.
Hội quán là hình thức liên kết của những nông dân nhằm hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, gắn kết quan hệ làng xóm, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa. Hội quán hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, không chịu sự chỉ đạo, điều hành của tổ chức, cơ quan nào. Các thành viên tự bầu chọn ra một chủ nhiệm để tổ chức, duy trì công việc
Được biết, HQ nhà màng chính thức ra mắt vào đầu tháng 8 vừa qua trên cơ sở tổ liên kết nhà màng hoạt động từ cuối năm ngoái. Hiện có 9 thành viên tham gia với tổng diện tích hơn 2,2 ha sản xuất theo quy trình VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Chủ nhiệm HQ nhà màng chia sẻ: “Tất cả các thành viên đều là cá nhân, hợp tác xã chuyên trồng rau, củ quả chế biến. Tại đây, mọi người gặp mặt mỗi tuần một lần để chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác, con giống, vật tư.
Ra mắt Hội quán nhà màng
Hội còn mời nhà khoa học trong nước, chuyên gia Nhật Bản về giảng dạy kỹ thuật trồng trọt tiên tiến giúp tăng năng suất, giảm giá thành và liên kết tìm đầu ra. Hiện các thành viên đều chuyển sang sản xuất bằng CNC, toàn bộ sản phẩm được ký hợp đồng tiêu thụ; thu nhập của người dân ước tăng 15 - 30% so với trước đây”.
Đối với vùng trồng bưởi Hiệp Hòa, gần một năm qua, hàng chục hộ dân ở các xã: Lương Phong, Đoan Bái, Hùng Sơn, Ngọc Sơn và Danh Thắng canh tác giống cây trồng này cũng đã tập hợp thành HQ để giúp đỡ nhau về cây con giống, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Đê, Chủ tịch Hội Sản xuất và Tiêu thụ bưởi Diễn xã Lương Phong, khi tham gia vào HQ, các hộ đều thay đổi cách nghĩ, cách làm trong quá trình canh tác. Hiện đã có hơn 20 hộ trong Hội áp dụng quy trình VietGAP, hướng tới sản phẩm an toàn nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Hội đang ký kết hợp đồng để cung cấp sản phẩm vào siêu thị cho vụ bưởi sắp tới.
Nhân rộng cách làm hay
Theo ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, trên địa bàn huyện vừa tổ chức lễ ra mắt HQ nhà màng. Trong tháng này sẽ tiếp tục ra mắt HQ rau cần Hoàng Lương. Đây là mô hình tập hợp liên kết sản xuất mới đi vào hoạt động nhưng bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, phát triển phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Khi tham gia HQ, bà con có điều kiện trao đổi những cách làm hay, thường xuyên rút kinh nghiệm từ quá trình sản xuất...
Vùng sản xuất rau cần VietGap Hoàng Lương
Để HQ tiếp tục hoạt động hiệu quả, UBND huyện giao các phòng chuyên môn; hội, đoàn thể ưu tiên các nguồn vốn và đưa dự án hỗ trợ vào loại hình hoạt động này nhằm khuyến khích nhân rộng. Trên cơ sở đó giúp bà con tăng quy mô sản xuất, hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật. Huyện chỉ đạo phòng chuyên môn nghiên cứu kỹ những kiến thức về liên kết, hợp tác, bao tiêu hàng hóa hỗ trợ HQ lập, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thu mua, tránh thiệt hại cho bà con.
Được biết, thời gian tới, huyện Hiệp Hòa sẽ thành lập đoàn đi học tập kinh nghiệm việc tổ chức thành lập và hoạt động của HQ tại tỉnh Đồng Tháp, có hướng chỉ đạo thành lập và hỗ trợ phát triển mô hình này, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp CNC ở địa phương.
Theo Hoàng Phương (Báo BG)
Không có nhận xét nào