Những Kì Vọng Lớn Lao và Bốn Câu Hỏi Dành Cho Tân Sinh Viên
Chỉ vài tuần nữa là những tân sinh viên sẽ nhập học đại học, trong đó có một số người mình quen biết. Mình viết bài này hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong quãng thời gian học đại học sắp tới.
Học đại học, dù ai bàn ngược bài xui, dù có rất nhiều bài viết về các vấn nạn khi học đại học, dù đã có rất nhiều người viết rất nhiều bài về việc "không học đại học vẫn kiếm được nghìn đô mỗi tháng", thì vẫn có hàng trăm nghìn sinh viên mới nhập học đại học hằng năm. Và trên vai họ là những kì vọng lớn lao của xã hội. Ở cấp vĩ mô quốc gia thì học đại học để sau này đóng góp cho quốc gia, giúp đất nước Việt Nam bắt kịp đoàn tàu "Cách mạng công nghiệp 4.0" giúp quốc gia thoát nghèo, ở cấp độ thấp thấp hơn, thì học là để sau này có công ăn việc làm tốt, kiếm được nhiều tiền, sống sung sướng.
Những người trẻ sinh năm 1980 thì không nói nhiều về tiền bạc như lứa ông cha khi đặt kì vọng lên lứa 1990, và bây giờ là 2000. Nhưng những kì vọng của họ dành cho lứa sau cũng là rất lớn: "Em phải biết được em thích gì?", "Em phải tìm ra đam mê của mình", "Phải nghĩ lớn, phải có kế hoạch cho tương lai", "Phải biết nhìn xa trông rộng".
Mình thì không đồng ý với những kì vọng đó. Năm mình 17 tuổi, trường mình mời những cựu sinh viên thành tài về nói chuyện trong trường, nói về tương lai. Buổi nói chuyện 7 năm trước đó, mình không nhớ hết được nội dung, nhưng đọng lại trong mình là một câu phát biểu của một cựu sinh viên:
"Không ai bây giờ có thể nhìn vào một chàng trai trẻ 17 tuổi và đoán được 10 năm sau anh ta sẽ thành như thế nào. Không ai làm được, kể cả 5 năm. Dù anh ta có học trường danh tiếng, thi thành thủ thoa một trường đại học, không ai có thể chắc chắn được là 5 năm sau anh ta sẽ là một người thành công trong cuộc sống. Mọi thứ luôn thay đổi trong cuộc sống. Do đó đừng uổng phí công sức và thời gian ép mình để trở thành một hình mẫu không thực tế trong tương lai."
Đó là một nhận xét rất thực tế và nó giúp mình thoát được những kì vọng to tát nhưng mơ hồ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có kế hoạch cho tương lai. Ngược lại, điều chúng ta cần hiểu là: chúng ta phải tự trang bị cho mình những kỹ năng để đương đầu với bất kì chuyện gì xảy đến trong chúng ta.
Và nhìn lại mình thấy rằng những bạn sinh viên không nên đi theo những kì vọng lớn lao mà người khác đặt cho mình, mà hãy trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết nhất cho mình, khi đạt được điều đó, bạn sẽ tự đặt cho bản thân mình những kì vọng lớn lao phù hợp.
Học Đại Học Nó Như Thế Nào?
Có quá nhiều thứ để học, để biết, vậy tôi sẽ phải làm gì đây, phải bắt đầu từ đâu, phải làm sao để vượt trội so với mọi người, hẳn nhiều bạn sẽ tự hỏi. Mình không có đáp án cho bạn, nhưng mình sẽ đưa ra 4 câu hỏi mà mình tin rằng nếu bạn thường xuyên tự hỏi 4 câu này và cố gắng tìm ra câu trả lời cho chúng, bạn sẽ gần đến được đích mà bạn mong muốn.
Mình có một bài thực hành nho nhỏ cho bạn đọc. Hãy đọc đoạn trích sau:
An object is an entity with both data and code. Typically, objects encapsulate some or all of their data and functionality. That is, they hide away details of their implementation, and instead present some simplified view to clients. A key idea of objects is that they provide a uniform way to encapsulate arbitrary functionility/complexity: objects can represent very simple combinations of data and functionality (such as an integer, or a string), to very complex combinations (such as a database).The data encapsulated by an object are typically called fields (also known as member variables, or instance variables), and the procedures of an object are typically called methods (aka member functions). An objectoriented program consists of different objects, that interact with each other by calling methods, also known as sending messages between objects.
(Harvard School of Engineering and Applied Sciences)
Bạn thấy đầu óc lùng bùng chứ (hi vọng bạn đã đọc hết cả đoạn văn). Tốt. Đây là 4 câu hỏi cho bạn:
1/Làm cách nào để bạn hiểu được nội dung trên viết về thứ gì?
2/Làm sao bạn biết chắc là bạn đã hiểu đúng nội dung trên?
3/Làm sao để bạn giải thích được sự hiểu của bạn cho người khác?
4/Làm sao để bạn chắc chắn rằng người khác cũng hiểu giống bạn?
Thật ra nội dung đề bài này cơ bản là giống với thời bạn học phổ thông. Sự khác biệt nằm ở chỗ: lần này không ai chỉ cho bạn nữa. Thời bạn học phổ thông, giáo viên bộ môn sẽ dạy cho bạn (câu 1), kiểm tra sự hiểu của bạn qua các bài kiểm tra (câu 2), yêu cầu bạn phát biểu ý kiến trước lớp như kiểm tra miệng (câu 3), nhưng hiếm khi có dạng bài tập cho câu 4. Ở đại học, bạn phải tự làm điều đó một mình và tệ hơn, phải có bài tập số 4.
Đây là 4 câu hỏi mà bạn cần liên tục đặt ra trong suốt quãng thời gian đại học, và trên con đường tìm ra câu trả lời cho 4 câu trả lời trên, bạn sẽ gom đủ các kỹ năng cần thiết để bạn ra ngoài kia đối mặt với trường đời.
Câu hỏi 1: Làm cách nào để hiểu được nội dung trên?
Bước đầu tiên để rèn kỹ năng học là đặt ra câu hỏi này và tìm cách trả lời nó. Để ra được câu trả lời, bạn phải trở nên chủ động và biết tận dụng tất cả những gì mình có để làm được điều đó. Hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến việc Google, ai chịu khó nghe ngoại ngữ hoặc giỏi Anh Văn hơn thì lên YouTube, ai đúng nghĩa siêng học thì sẽ tìm sách về đọc, ai mạnh dạn hơn thì lên hỏi giáo viên, hoặc thậm chí email cho giáo viên hỏi lại về vấn đề vừa giảng. Rồi còn tiếng Anh, phải hiểu những từ tiếng Anh đó ra sao?
Bạn thấy điều mình vừa kể thật đơn giản, cho đến khi bạn vô một giảng đường cả trăm học sinh và thấy dòng chữ này ghi trên mặt rất nhiều người ngồi quanh bạn: đéo ai quan tâm cả. Những câu cửa miệng thường là: "Ông thầy này hiền lắm, cho đề dễ học những gì trong sách là đậu", "Học bà cô này, cứ ôn mấy đề năm trước ra là xong" hoặc "Nói gì mà khó hiểu quá, học chán bỏ xừ".
Nếu suốt 4 năm trời bạn có thể rèn được thói quen này, thói quen liên tục tìm hiểu mọi thứ để làm sáng tỏ vấn đề, bạn sẽ không còn sợ vấn đề khó. Nó giống như chơi game vậy, các cấp độ sau càng khó nhưng bạn càng thích. Bạn càng gặp những vấn đề khó hiểu, bạn càng muốn tìm cho ra chứ không phải là phán một câu: "Đọc nhiều chữ thấy đau đầu quá, thôi bỏ".
Việc rèn kỹ năng này là cực kì quan trọng trong công việc sau này. Hãy tưởng tượng bạn mới đi làm và sếp bảo rằng: đây là chồng tài liệu về hệ thống kinh doanh của công ty, em đọc để nắm rõ tình hình. Bạn sẽ làm gì? "Sếp ơi, giảng cho em hiểu được không?", hay là chìm trong hoang mang: "Trời ơi ngày đầu đi làm ông sếp tao quăng cho tao 100 trang tài liệu bảo đọc trong 1 tuần. Biết làm sao giờ mày?"
Như vậy bằng cách rèn luyện kỹ năng này, bạn trở nên linh hoạt hơn, đầu óc nhanh nhạy trong việc nắm bắt vấn đề hơn. Nâng cao lên, bạn biết cách học phù hợp cho từng khái niệm khác nhau cho riêng bản thân mình, từ đó biết cách học rất nhanh.
Câu hỏi 2: Làm sao để biết chắc mình đã hiểu đúng được nội dung trên?
Đây là vấn đề khó thứ hai. Làm thế nào để biết được thứ mình hiểu đúng là thứ mà người khác muốn nói trong đoạn văn mình đọc, đoạn phim mình xem. Mình cần có các kỹ năng gì? Ở Đại học, đó là làm các bài tập được giao, có thể là các câu hỏi ngắn, hoặc có thể là các bài luận, hoặc các phép tính. Tùy dạng môn học mà bạn có các cách kiểm chứng khác nhau. Các môn Toán và Khoa học tự nhiên thì dễ kiểm chứng kiến thức hơn (nhưng khái niệm thường trừu tượng khó hiểu hơn), còn với các môn học thiên về Nhân văn thì đòi hỏi những sự thảo luận (như trao đổi trên các diễn đàn uy tín, gặp và nói chuyện với người có học thức sâu).
Khi bạn rèn luyện thói quen này thường xuyên, bạn sẽ vừa có thể nắm vững được các khái niệm cơ bản, đồng thời nâng cao khả năng đọc hiểu, nghe hiểu của mình.
Kỹ năng này áp dụng cực kì nhiều trong việc đi làm và nó khiến bạn trở nên chu toàn cũng như hiểu sâu câu việc hơn. Ví dụ như trong mảng phát triển thiết kế sản phẩm, bạn sẽ phải luôn lắng nghe yêu cầu của khách hàng và vấn đề bạn thường xuyên gặp sẽ là: "Làm sao mình biết chắc được ý mình hiểu là đúng ý của khách hàng?" Hay là khi bạn được sếp giao yêu cầu: Em thiết kế logo này cho công ty nhìn sao cho nó thanh thoát. Câu hỏi đầu tiên trong đầu của bạn sẽ là: "Thế nào là thanh thoát? Cái thanh thoát anh nghĩ có giống cái tôi nghĩ là thanh thoát không? Làm sao tôi có thể kiểm chứng được điều đó?" Trong thiết kế phần mềm cũng có những điều tương tự như khi khách hàng ghi trong bản yêu cầu: Nếu đơn hàng bị từ chối, nó sẽ bị xóa đi trên màn hình. Nhưng cái sự xóa đó, phải hiểu như thế nào về mảng kỹ thuật? Khách hàng không còn thấy nó nữa nhưng nó vẫn còn nằm trong cơ sở dữ liệu hay là nó bị xóa hoàn toàn trên cơ sở dữ liệu? Mở rộng ra, đây là điều Facebook áp dụng - những bức hình hay dòng trạng thái bạn xóa đi trên trang cá nhân thực chất là bị ẩn đi, Facebook vẫn lưu giữ chúng, như vậy cùng là nút "Xóa" nhưng người dùng sản phẩm hiểu nghĩa khác với kỹ sư phần mềm của Facebook hiểu.
Môi trường đại học (và cả môi trường bên ngoài) có rất nhiều cơ hội cho bạn thực hành kỹ năng này và nếu có thể làm chủ được nó, bạn đã tạo được nền tảng kỹ năng, kiến thức vững chắc cho tương lai.
Câu số 3: Làm thế nào để giải thích được sự hiểu của mình cho người khác?
Trong cuộc sống bạn không làm việc một mình và việc giao tiếp với người khác là rất thiết yếu. Chính những người đồng đội tốt của bạn sẽ giúp bạn vượt qua các gian khó. Và điều quan trọng để bạn cùng những đồng nghiệp đó có thể hoạt động chung được nằm ở chỗ: mọi người đều phải cùng hiểu về một sự việc như nhau. Để làm được điều đó, bạn cần phải đảm bảo người khác cũng hiểu về khái niệm bạn đang nói giống như bạn (lưu ý mình không nói rằng bạn ép người khác đồng ý với bạn, mình đang nói rằng họ hiểu bạn đang nói gì).
Ở đại học, bạn giải thích sự hiểu biết của mình với giáo sư thông qua các bài luận, bài kiểm tra, điều đó khá là dễ. Nhưng sẽ khó hơn nếu bạn phải giải thích những khái niệm trừu tượng phức tập (như khái niệm dẫn ra đầu bài) cho những người có trình độ thấp hơn bạn. Để giải quyết vấn đề này bạn phải hiểu rằng bạn cần tận dụng gần như tất cả mọi thứ có thể để giúp thông điệp của bạn được truyền đi. Nếu bạn không diễn tả bằng từ ngữ chuyên ngành được thì dùng hình ảnh so sánh, nếu hình ảnh so sánh cũng không hiệu quả thì chuyển sang các hình vẽ, hình vẽ không được thì dùng các đoạn phim trên YouTube, nếu không được nữa thì nhờ người khác. Hoặc là kết hợp tất cả những điều đó. Tóm lại, bạn phải cực kì biết tận dụng mọi tài nguyên bạn có.
Ví dụ như đoạn ở đầu bài, mình có thể thử khiến mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn bằng cách dịch ra tiếng Việt:
"Một đối tượng là một thực thể gồm dữ liệu và các đoạn mã. Thông thường, các đối tượng này bao hàm một vài hoặc tất cả dữ liệu và chức năng của chúng. Do đó chúng sẽ che đi các chi tiết cấu thành chúng và thay vào đó chỉ thể hiện một bộ mặt rất đơn giản với người dùng. Khái niệm cốt lõi của đối tượng là chúng cung cấp một biện pháp đồng nhất để gói gọn các chức năng hay sự phức tạp ngẫu nhiên: một đối tượng có thể đại diện cho một tổ hợp đơn giản của các dữ liệu và chức năng (ví dụ như số nguyên hay một chuỗi kí tự) cho đến các tổ hợp rất phức tạp (như cơ sở dữ liệu). Dữ liệu được gói trong các đối tượng này thường gọi là một thực thể (hay còn gọi là thực thể thành viên) và các hành động của một đối tượng thường được gọi là phương pháp (còn được biết đến là chức năng của thành viên). Một phần mềm hướng đối tượng bao gồm nhiều đối tượng tương tác với nhau thông qua các phương pháp này, hay còn gọi là trao đổi dữ liệu giữa các đối tượng."
Có thể bạn sẽ thấy hơi hơi dễ hiểu hơn một chút nhưng vẫn còn mù mờ, cảm tưởng như đọc tiếng nước ngoài.
Bây giờ mình sẽ thử diễn tả đơn giản hơn.
Chúng ta có một đối tượng gọi là "điện thoại thông minh". Làm sao để miêu tả được một chiếc điện thoại? Những yếu tố gì định hình nên một thứ gọi là "điện thoại thông minh" giúp bạn phân biệt được "điện thoại" với đối tượng "máy tính"? Bạn dựa vào hình dáng của điện thoại là hình khối chữ nhật, nhưng thực chất hình khối chữ nhật được quy định bởi chiều cao, bề ngang, và độ dày của thân, của mặt kính, của các phím bấm. Như vậy kích thước chính là "dữ liệu" của đối tượng "điện thoại thông minh". Thế còn "các đoạn mã"? Chiếc điện thoại được cấu thành từ các vật liệu như kính cho màn hình, nhôm để làm khung, đất hiếm để làm bộ nhớ. Trong một phần mềm (như trang Spiderum này chẳng hạn), các đoạn mã chính là "nguyên vật liệu" để cấu thành trang Spiderum giống như nhôm chính là nguyên vật liệu cấu thành chiếc điện thoại bạn đang sử dụng.
Như vậy đối tượng "điện thoại" bao hàm "các dữ liệu" và các "nguyên vật liệu" như trong định nghĩa. Tất cả những thứ này được bao bọc lại (theo nghĩa đen và nghĩa bóng) bởi lớp vỏ điện thoại, và người dùng tương tác với đối tượng "điện thoại" bằng một màn hình kính và các nút bấm đơn giản.
Đối tượng điện thoại có nhiều thực thể. Trong hình dưới có bao nhiêu đối tượng "điện thoại"?
Trong hình trên chỉ có 1 đối tượng điện thoại nhưng có nhiều "thực thể" (instance) điện thoại. Mỗi chiếc điện thoại bạn thấy trong hình chỉ là "hiện thân" của "đối tượng" điện thoại. Trên thế giới chỉ có một đối tượng "Con người" nhưng có 9 tỷ thực thể người.
Mà đối tượng "Điện thoại thông minh" thì thuộc nhóm đối tượng "Thiết bị điện tử". Tức có nhiều đối tượng khác nhau trong cùng một nhóm, chúng có điểm chung và điểm khác biệt, do người lập trình tự đặt.
Điện thoại thì có chức năng. Một chức năng chính là một phương pháp (method). Người dùng sử dụng "phương pháp" của đối tượng thông qua một giao diện, như bấm gọi điện hay bật nhạc. Tương tự, người dùng thông qua các chức năng để tương tác với "đối tượng" trong một phần mềm. Ví dụ như đối tượng "hình ảnh" lưu trên Facebook, thông qua nút bấm "Ẩn", người dùng ra lệnh cho đối tượng hình ảnh ẩn đi hình mà người dùng chọn.
Đây không phải là đoạn giải thích rõ nghĩa nhất nhưng ít nhất, mình hi vọng nó giúp bạn đọc hiểu sơ qua thế nào là "Đối tượng trong lập trình hướng đối tượng".
Như vậy quay trở lại chủ đề chính, đoạn ban đầu có lẽ là khó hiểu, nhưng rồi đoạn thứ hai mình đã cố thử làm dễ hiểu hơn bằng cách dụng một công cụ là "tiếng Việt", đến lần thứ hai mình đã dùng thêm các hình ảnh minh họa để bổ trợ cho công cụ "tiếng Việt" nhằm giúp bạn đọc dễ hiểu hơn nữa.
Đây là kỹ năng thiết yếu khi bạn phải truyền đạt ý tưởng cho nhiều nhóm người khác nhau. Làm sao để bạn đảm bảo rằng những gì khách hàng nói trong cuộc họp, dù khó hiểu đến đâu, bạn vẫn có thể về và diễn đạt lại cho các thành viên trong nhóm. Bạn sẽ ráng viết 1 báo cáo thật chi tiết nhưng không ai có thời gian đọc hoặc hiểu nổi hay sẽ dùng các công cụ minh họa để mọi người dễ nắm bắt? Nhưng nếu dùng các công cụ minh họa bạn có đảm bảo mọi người hiểu được đủ sâu?
Nâng cao hơn, bạn sẽ phải tìm cách truyền đạt thông tin phù hợp. Ví dụ với dân thiết kế, bạn phải biết cách nói chuyện cho hợp với góc nhìn thiết kế của họ, nhưng bạn không thể dùng các ngôn từ nghệ thuật của bên thiết kế để đi nói chuyện với quản lý đội bán hàng được.
Câu số 4: Làm sao để kiểm tra xem người khác hiểu đúng với ý của mình?
Đây thực sự là một thử thách khó và ngay cả khi lên hàng ngũ lãnh đạo, nhiều người vẫn sẽ gặp khó khăn với thử thách này.
Ở trong trường Đại học, thử thách này, cũng như thử thách số 3, thường gặp khi bạn làm việc nhóm. Bạn dễ gặp tình huống:
-Sao, mọi người hiểu chưa?
-Ok, hiểu rồi, dễ mà.
Xong ra làm trớt quớt. Về thử thách này đòi hỏi bạn phải biết cách liên lạc cũng như hiểu tâm lý của người mình làm chung. Có thể biết cách thiết kế một vài bài kiểm tra đơn giản để kiểm tra sự hiểu của họ.
Thực sự ý này mình không viết nhiều được vì thường mọi người tự giải quyết thông qua kinh nghiệm, và ngay cả bản thân mình cũng gặp khó khăn về vấn đề này. Chỉ là mình biết rằng đây là một vấn đề mình đang gặp.
Kết luận
Khi bạn cảm thấy lo lắng không biết mình phải bắt đầu từ đâu, phải rèn luyện những kỹ năng gì trong thời sinh viên để không lãng phí thời gian và tiền bạc, hãy đặt 4 câu hỏi trên cho những vấn đề bạn đang gặp và tìm cách giải quyết nó. Hãy lấy nó làm điểm khởi đầu, không phải chỉ hỏi 4 câu như vậy là xong, nhưng ít nhất nó giúp tạo ra cho bạn một con đường.
Theo mình thấy đây là cách kết hợp cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm của một người. Nó vừa giúp bạn nâng cao kiến thức chuyên môn, vừa rèn cho bạn kỹ năng mềm để đi giao tiếp với mọi người, giải quyết vấn đề, có góc nhìn rộng.
Chúc các bạn tân sinh viên thành công và đạt được những kỳ vọng lớn lao mà bạn đặt ra cho chính bạn.
Ủng Hộ Tác Giả
Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Tên: Phan Anh Tuấn
Số tài khoản: 152613748
Số thẻ: 9704321171180375
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào