Recent comments

ads header

Chủ đề "hot"

Đức (Deutschland): Bóng tối, máu và tự do


    Đức là một nước cộng hòa nghị viện liên bang nằm tại Trung-Tây Âu, đồng thời là cường quốc lớn nhất trong Liên minh châu Âu, có dân số đứng thứ hai châu Âu (sau Nga) và có số lượng người nhập cư cao thứ hai thế giới (sau Mĩ).
    Quốc kì Đức gồm ba dải ngang bằng nhau hiển thị các màu quốc gia của Đức: đen, đỏ, vàng. Thiết kế này được thông qua làm quốc kì của nước Đức hiện đại vào năm 1919, thời Cộng hòa Weimar.

Thiết kế


Lịch sử

    Vào Thời kì Trung cổ, Đế quốc La Mã Thần thánh tồn tại từ thế kỷ X đến năm 1806 song không có quốc kì, nhưng màu đen và vàng được sử dụng làm màu của Hoàng đế La Mã và được thể hiện trên hiệu kì hoàng đế: một con đại bàng màu đen trên một nền vàng. Từ đầu thế kỷ XV, một đại bàng hai đầu được sử dụng.
Hiệu kì của Hoàng đế La Mã Thần thánh (thế kỉ XV-XIX).
    Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire) còn được gọi là Thánh chế La Mã, là một phức hợp lãnh thổ rộng lớn đa sắc tộc, mà chủ yếu là người Đức, tồn tại từ năm 962 đến năm 1806. Vào thời kì thịnh vượng trong thế kỉ XII, Đế quốc này bao gồm lãnh thổ rộng lớn mà ngày nay gồm các nước Đức, Áo, Thụy Sĩ, miền đông nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, miền tây Ba Lan, CH Séc và Ý.


    Đế quốc La Mã Thần thánh sụp đổ vào năm 1806, nhiều công tước và thân vương của đế quốc gia nhập Liên bang Rhein (một liên minh các nhà nước nội thuộc của Đệ nhất Đế chế Pháp), ngoại trừ hai nước Phổ và Áo. Các nhà nước này sử dụng quốc kì riêng của họ, còn liên bang thì không có quốc kì mà sử dụng quốc kì Pháp có màu lam-trắng-đỏ và Hiệu kì Hoàng đế của người bảo hộ là Napoleon.
    Các cuộc đấu tranh của người Đức chống quân Pháp chiếm đóng được tượng trưng đáng kể thông qua các màu đen, đỏ và vàng. Điều này phần lớn là do đồng phục của Quân đoàn Tự do Lützow, một đơn vị tình nguyện của Quân đội Phổ. Đồng phục của đơn vị này là màu đen với cổ áo màu đỏ cùng khuy màu vàng. Đương thời, các màu đại diện cho: Ra khỏi bóng tối (đen) nô lệ nhờ các trận chiến đẫm máu (đỏ) để đến ánh sáng hoàng kim (vàng) của tự do.
    Đại hội Viên năm 1815-1816 dẫn đến việc thành lập Liên bang Đức, đây là một liên minh lỏng lẻo của toàn bộ các quốc gia Đức còn lại sau các cuộc chiến tranh của Napoleon. Liên minh được tạo thành nhằm thay thế cho Đế quốc La Mã Thần thánh, với Tổng thống là Franz I của Áo - Hoàng đế La Mã Thần thánh cuối cùng. Liên bang không có quốc kì riêng.
Những người cách mạng tại Berlin (tháng 3/1848).
    Trong các cuộc cách mạng tại các quốc gia Đức năm 1848, những đảng viên Tự do giành được quyền lực, và một quốc hội được dựng nên. Quốc hội Frankfurt tuyên bố đen-đỏ-vàng là các màu chính thức của Đức và thông qua một luật nói rằng thuyền kỳ dân dụng là cờ tam tài đen-đỏ-vàng. Năm 1850, Quốc hội Frankfurt sụp đổ, Liên bang Đức phục hồi dưới quyền chủ tịch của Áo, nước này đàn áp các động thái của Quốc hội Frankfurt, bao gồm cờ tam tài.

    Sau khi Liên bang Đức giải thể, Phổ tạo thành thể chế kế thừa không chính thức của nó là Liên bang Bắc Đức vào năm 1866. Ngoài thành viên lớn nhất là Phổ, liên bang còn bao gồm 21 quốc gia Đức khác ở phương Bắc.
    Chiến tranh Áo-Phổ  (còn gọi là Nội chiến Đức) năm 1866 là cuộc chiến tranh giữa 2 cường quốc Châu Âu là Đế quốc Áo (liên minh với các quốc gia Đức phương Nam) và Vương quốc Phổ (liên minh với các quốc gia Đức phương Bắc). Chiến tranh kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về Phổ khiến Áo phải rút khỏi Liên bang Đức và mang lại thêm đất đai cho nước Phổ, mở đường cho họ thống nhất nước Đức. Không những vậy, Chiến tranh Áo-Phổ cũng góp phần hoàn tất quá trình thống nhất nước Ý và chấm dứt thể chế Đế quốc Áo.
    Sau Chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871), các quốc gia Đức còn lại tại phương Nam liên kết với Liên bang Bắc Đức, dẫn tới Thống nhất nước Đức và quân chủ Phổ trở thành Hoàng đế của quốc gia mới này vào năm 1871. Trong Hiến pháp của mình, Đế quốc Đức vẫn sử dụng đen, trắng và đỏ làm các màu quốc gia của mình, với việc chính thức thông qua cờ tam tài của Liên bang Bắc Đức (đen-trắng-đỏ) khi trước làm quốc kì vào năm 1892. Cờ tam tài đen-trắng-đỏ vẫn là quốc kì của Đức cho đến khi Đế quốc Đức sụp đổ vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Quốc kì của Liên bang Bắc Đức (1866-1871), Đế quốc Đức (1871-1918) và thời kì đầu thể chế Quốc xã (1933-1935).
    Sau tuyên bố của nước Đức cộng hòa vào năm 1918 và giai đoạn cách mạng kế tiếp đó, chính thể được gọi là Cộng hòa Weimar được thành lập vào tháng 8/1919. Để tạo thành một sự liên tục giữa phong trào chống chuyên quyền trong thế kỷ XIX và nước cộng hòa dân chủ mới, cờ tam tài đen-đỏ-vàng cũ được xác định là quốc kì Đức trong Hiến pháp Weimar vào năm 1919.
    Các biểu tượng của nước Đức thời đế quốc trở thành biểu tượng của những người quân chủ chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa. Nhiều chính đảng dân tộc chủ nghĩa trong thời kì Weimar, như Đảng Nhân dân Quốc gia Đức và Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Quốc xã) sử dụng các màu tượng trưng cho đế quốc.
    Chế độ Quốc xã tại Đức được thành lập vào ngày 30/1/1933, quốc kì đen-đỏ-vàng nhanh chóng bị loại bỏ; ngày 12/3, một quyết định xác định hai quốc kì hợp pháp: quốc kì Đế quốc đen-trắng-đỏ tái lập và Đảng kì của Đảng Quốc xã.
    Ngày 15/9/1935, một năm sau khi Tổng thống Paul von Hindenburg từ trần và Adolf Hitler giờ đã là Lãnh tụ (Führer), tình trạng hai quốc kì kết thúc, đảng kì của Đảng Quốc xã là quốc kì duy nhất của Đức.
Quốc kì Đức (1935-1945).
Quân kì của Quân đội Đức Quốc xã (1935-1945).







    Thiết kế Đảng kì Quốc xã được Adolf Hitler đề cử làm đảng kì vào giữa năm 1920: một hiệu kì với một nền đỏ, một đĩa trắng và một biểu tượng Swastika đen ở giữa. Trong Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi), Adolf Hitler giải thích quá trình mà đảng kì Quốc xã được tạo ra: nó cần phải sử dụng các màu tương tự như của Đế quốc Đức, bởi theo quan điểm của Hitler thì chúng là "các màu tôn kính diễn đạt lòng kính trọng của chúng ta với quá khứ huy hoàng và đã từng mang lại rất nhiều vinh quanh cho dân tộc Đức". Cơ quan tuyên truyền của Quốc xã giải thích ý nghĩa của đảng kì: màu đỏ tượng trưng cho xã hội, màu trắng tượng trưng cho tư duy quốc gia của phong trào và swastika tượng trưng cho chiến thắng của nhân dân Aryan trước người Do Thái.
    Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức bị đặt dưới sự quản chế của quân Đồng minh, thời gian này không có chính phủ quốc gia Đức và không có quốc kì Đức, đồng thời, Hội đồng Kiểm soát Đồng minh ban hành luật bãi bỏ toàn bộ các biểu tượng Quốc xã. Kể từ đó, việc sở hữu quốc kì Swastika bị cấm tại nhiều quốc gia phương Tây, việc nhập khẩu hay trưng bày nó cũng bị cấm, đặc biệt là tại Đức.
Lãnh thổ Đức bị chiếm đóng bởi Quân Đồng minh.
    Tháng 3/1948, ba nước Đồng minh phương Tây họp để hợp nhất các khu vực chiếm đóng. Ngày 23/5/1949, Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) thành lập, đồng thời cờ tam tài đen-đỏ-vàng được thông qua làm quốc kì. Ngày 07/10/1949, Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) thành lập tại vùng quản lí của Hồng quân Liên Xô.
    Từ năm 1949-1959, quốc kì Tây Đức và Đông Đức là đồng nhất. Ngày 01/10/1959, chính phủ Đông Đức sửa đổi quốc kỳ của họ bằng cách thêm quốc huy lên. Tại Tây Đức, những sửa đổi này được nhìn nhận là một nỗ lực có tính toán nhằm phân chia hai nước Đức.
Quốc kì CHLB Đức (1949-nay) & CHDC Đức (1949-1959).
Quốc kì CHDC Đức (1959-1990).







    Ngày 10/11/1989, Bức tường Berlin được dỡ bỏ. Cuối cùng, vào ngày 03/10/1990, khi các lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Đức được tiếp nhận vào Cộng hòa Liên bang Đức, cờ tam tài đen-đỏ-vàng trở thành quốc kì nước Đức thống nhất.
    
Cổng Brandenburg ngày 01/12/1989. Việc đi lại tự do từ Đông sang Tây sẽ chính thức được mở từ ngày 22/12/1989.

Quốc kì nước Đức thống nhất (1990-nay).

Nguồn: tổng hợp từ Wikipedia & Internet

Không có nhận xét nào