Xây dựng Khu công nghiệp Hòa Phú: Kiên quyết giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ dự án
Dự án xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH trong vùng nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang gặp phải một số vướng mắc. UBND huyện và các đơn vị liên quan đã tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ đề ra.
Mặt bằng "xôi đỗ" khiến dự án xây dựng KCN Hòa Phú gặp nhiều khó khăn.
Vướng mắc từ người dân
Theo kế hoạch, giai đoạn 1, dự án xây dựng KCN Hòa Phú có diện tích 100 ha sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động từ cuối năm nay. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn ngổn ngang, các hạng mục san nền, thi công hệ thống đường giao thông, thoát nước thải phải tạm dừng vì thiếu mặt bằng. Ông Hoàng Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Hiệp Hòa thông tin, hiện mới có gần 900 hộ dân đồng thuận, bàn giao hơn 62,25 ha đất cho chủ đầu tư; còn gần 38 ha đất nông nghiệp với hơn 100 hộ liên quan trong đợt 1 chưa nhận tiền bồi thường. Phần lớn vướng mắc trong GPMB tập trung ở thôn Mai Hạ, xã Mai Đình tại vị trí quy hoạch xây dựng tuyến đường trục chính kết nối đường tỉnh 295 với KCN khiến chủ đầu tư chưa thể thực hiện các hạng mục liên quan.
Nguyên nhân do một số đối tượng tung tin thất thiệt như: Chính sách đền bù, thu hồi đất hiện hành là 200 triệu đồng/sào nhưng cán bộ liên quan đã bớt xuống còn hơn 78 triệu đồng/sào. Ngoài tiền bồi thường đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hộ còn được bố trí đất dịch vụ để ổn định cuộc sống. Thậm chí, một số người còn cho rằng, chủ đầu tư dự án phải tự thỏa thuận chuyển nhượng đất, giá bồi thường với các hộ để GPMB… Đây là thông tin sai trái nhằm kích động, lôi kéo người dân không đồng thuận với phương án bồi thường, gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Các thành viên Ban Giúp dân trong thu hồi đất thôn Mai Hạ, xã Mai Đình trao đổi với phóng viên.
Tiếp xúc với chúng tôi, các ông, bà: Nguyễn Ngọc Tân, Nguyễn Thị Châm, Đào Bá Sản, Hoàng Công Phú, Nguyễn Văn Đoàn giới thiệu nằm trong Ban Giúp dân do các hộ có đất bị thu hồi lập nên cho biết, người dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng KCN nhưng trình tự, thủ tục đầu tư, thu hồi đất chưa bảo đảm quy định. Ngoài cấy lúa, các hộ còn trồng hành, tỏi, thuốc lào cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/sào/năm; mức giá bồi thường áp dụng hiện nay là thấp, khó ổn định cuộc sống. Các thành viên này còn cho rằng, KCN không sử dụng vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức nước ngoài - PV) nên chủ đầu tư phải thỏa thuận giá chuyển nhượng đất với người dân và yêu cầu mức bồi thường thấp nhất phải 200 triệu đồng/sào; thu hồi 1 sào đất nông nghiệp phải bố trí 72 m2 đất ở dịch vụ. Chủ đầu tư phải cam kết nhận người bị thu hồi đất vào làm việc; không cho phép dự án gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào KCN…
Kiên quyết giải tỏa trong tháng 8
Những kiến nghị, thắc mắc trên đã được Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản, trong đó khẳng định: Thủ tục thu hồi đất triển khai dự án đã thực hiện đúng trình tự, quy định hiện hành. Giá bồi thường, hỗ trợ được áp dụng theo quy định của UBND tỉnh. Kiến nghị áp dụng chính sách cấp đất dịch vụ khi GPMB của người dân là không có cơ sở. Ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “KCN Hòa Phú được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư, là dự án do Nhà nước thu hồi đất, người dân không được thỏa thuận giá bồi thường. Những thắc mắc, kiến nghị trên cũng đã được UBND huyện tiếp nhận, nhiều lần trả lời bằng văn bản. Huyện đã 6 lần tổ chức đối thoại, trực tiếp trả lời những ý kiến liên quan”.
Các hạng mục xây dựng đường giao thông, cống thoát nước mưa trong KCN Hòa Phú phải tạm dừng thi công vì vướng mặt bằng.
Thực tế, KCN Hòa Phú được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với đầy đủ hệ thống xử lý nước, rác thải hiện đại, có hệ thống quan trắc tự động. Đơn vị đầu tư cam kết chỉ thu hút dự án thân thiện với môi trường như điện tử, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao vào KCN. Theo ông Trần Sĩ Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phú Invest (đơn vị đầu tư dự án), sau khi đi vào hoạt động, KCN sẽ tạo việc làm cho khoảng 60 nghìn lao động; Công ty đã gửi văn bản đến UBND huyện, xã và các thôn trên địa bàn cam kết tuyển dụng lao động là người địa phương. Đồng thời, quyết định hỗ trợ hơn 16,5 tỷ đồng (80 triệu đồng/ha đất thu hồi) cho các thôn, xã, huyện xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi như trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, kênh mương…
KCN Hòa Phú được quy hoạch xây dựng tại các xã Châu Minh, Mai Đình và Hương Lâm (Hiệp Hòa) với diện tích 207 ha, tổng mức đầu tư gần 2 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 1 sử dụng 100 ha đất sẽ đưa vào khai thác, vận hành từ cuối năm nay; giai đoạn 2 hoàn thiện trên diện tích còn lại vào năm 2025.
Xác định KCN Hòa Phú có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, tạo việc làm, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn, Huyện ủy, UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc đẩy nhanh tiến độ. Huyện đã thành lập các tổ công tác, giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo chủ chốt của huyện trực tiếp vào cuộc phụ trách tuyên truyền, vận động từng nhóm hộ chấp hành chủ trương thu hồi đất. Các đơn vị, đoàn thể huyện cùng Đảng ủy, UBND xã và các đoàn thể địa phương phối hợp đến từng hộ giải thích chính sách, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng. Những trường hợp cố tình không chấp hành, UBND huyện sẽ kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất trong tháng 8, bảo đảm tiến độ GPMB phục vụ dự án.
Vân Giang (Báo BG)
Không có nhận xét nào