Ngày của hòa bình, hòa hợp dân tộc
Với dân tộc Việt Nam, ngày 30-4-1975 là dấu mốc lịch sử trọng đại ghi nhận sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài đằng đẵng hai mươi năm. Hai mươi năm dân tộc ta đánh trận trường kỳ; mồ hôi, máu, nước mắt âm thầm chảy suốt rộng dài đất nước. Kể sao hết những mất mát, hy sinh của nhân dân trong cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc này.
Toàn dân Việt Nam đón mừng chiến thắng.
|
Đoàn kết, hòa hợp dân tộc là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.
|
Ngày 30- 4- 1975 là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất đất nước. Đó còn là cơ hội lớn để khát vọng hòa hợp dân tộc trở thành hiện thực.
Cuộc chiến dai dẳng kết thúc ở nơi được gọi là sào huyệt đối phương nhưng TP Sài Gòn vẫn không bị tàn phá, tuyệt nhiên không có cuộc “tắm máu” nào như tuyên truyền của phía bên kia. Trong giờ phút lịch sử ngày cuối cùng của tháng 4- 1975, hãng UPI đã tường thuật: “Quân đội phía chiến thắng cưỡi xe tăng vào Dinh Tổng thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô đồng chí với những người đứng hai bên đường cũng như đối với các nhà báo”.
Đấy là tư thế, tâm thế của đội quân chính nghĩa, có văn hóa, có tổ chức. Không ít cuộc chiến tranh ngày khải hoàn của bên này trở thành ngày thảm họa của bên kia, họ lấy hận thù đáp trả hận thù, vòng xoáy bạo lực không điểm dừng.
Sau 30-4- 1975 một ngày, giữa TP Sài Gòn có đêm giao hưởng hoành tráng được tổ chức tại Nhà hát lớn. Vâng, một đêm giao hưởng do những nghệ sĩ, ca sĩ đến từ miền Bắc trình diễn.
Những người lính thắng trận, áo vải Tô Châu còn lấm bụi đường, còn vương nắng gió trăm miền sau cuộc hành quân thần tốc, táo bạo nhất trong lịch sử dân tộc ngỡ ngàng bước vào Nhà hát lớn để tâm hồn hòa điệu cùng những bản nhạc nổi tiếng của nhân loại và Việt Nam. Ngày hòa bình đầu tiên của Tổ quốc được đánh dấu, chính xác hơn là được mở ra với đêm giao hưởng lộng lẫy, hoành tráng tại TP Sài Gòn.
Anh Ngọc, với tư cách là một nhà thơ, nhà báo quân đội từng có mặt trong đêm giao hưởng lịch sử ấy đã viết ra những câu thơ đầy xúc động: Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ / Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng / Bổng trầm cung bậc tìm nhau/ Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/ Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa/ Một nửa anh và em một nửa…
Những người thắng trận yêu hòa bình và không muốn gì hơn là hòa giải, hòa hợp với tất thảy những ai từng ở bên kia chiến tuyến. Bởi chúng ta hiểu rằng, chỉ có hòa giải, hòa hợp thì Chiến thắng 30-4 mới trọn vẹn, sức mạnh dân tộc sẽ kết tụ, nhân lên khi lòng người hồi quy một cội.
Rất nhiều tướng lĩnh, binh sĩ, quan chức, công chức của chế độ cũ được sống yên ổn và đoàn tụ trong một đất nước an bình. Không có sự trả thù đẫm máu xảy ra như luận điệu của chế độ cũ từng gieo rắc ở miền Nam. Có người trong số họ được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan của thể chế mới. Kể cả những người đi ra nước ngoài, nếu có thiện ý vẫn được sự đón nhận thực lòng của nhân dân Việt Nam.
Bao nhiêu cuộc đi - về tình nghĩa. Nhân dân ta coi trọng cội nguồn, dù là ai, ở đâu, nổi tiếng hay bình thường, đều là dòng dõi của con Rồng cháu Tiên, đều coi Vua Hùng là Quốc tổ. Tôi có một ông cậu đằng vợ, thời chiến tranh là cảnh sát của chế độ Việt Nam cộng hòa.
Sau năm 1975, ông đi “học tập” vài tháng, sau đó trở về nhà chăm chỉ làm ăn cùng vợ con. Khi được bảo lãnh, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình ông xuất cảnh sang Mỹ. Sống được một thời gian, ông trở lại quê cha đất tổ vốn ở vùng Quảng Trị còn nhiều nghèo khó. Có lần, ông tâm sự với tôi: “Về quê sống, cậu thấy nhẹ nhõm, bình an hơn cháu ạ!”
Và, cả những người lính viễn chinh đã từng ném bom, nổ súng vào người dân Việt Nam, nếu thực tâm cũng sẽ có cơ hội nhận được tấm lòng nhân ái, độ lượng của chúng ta. Tôi có biết, có đọc tác phẩm của giáo sư, nhà thơ Bruce Weigl . Ông là cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam, từng đặt dấu giày lên Quảng Trị.
Bruce Weigl viết: Chiến tranh đã từng tước đi của tôi rất nhiều nhưng nó cũng cho tôi thơ ca, một người con Việt Nam và tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam. Ông không nói sai sự thật, ít nhất là với những gì ông đang có. Nước Mỹ nhìn nhận Bruce Weigl, tác giả của 12 tập thơ trong đó có phần quan trọng viết về chiến tranh Việt Nam là một hiện tượng thi ca. Là cha nuôi của Nguyễn Thị Hạnh Weigl, ông yêu đất nước Việt Nam, con người Việt Nam nồng nàn.
Không riêng Bruce Weigl, nhiều cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam mang trong mình bóng tối hãi hùng của dĩ vãng. Càng ngày họ càng thấy rõ hơn sự vô nghĩa, vô lý của cuộc chiến tàn bạo do chính phủ Mỹ phát động đó. May mắn đã mỉm cười với ông, Bruce Weilg không ngã xuống vì viên đạn mũi chông của những người yêu nước Việt Nam để còn thời gian cho trái tim thi sĩ nhạy cảm thao thức cùng những vui buồn sáng tối của dân tộc này.
Tên tuổi ông không bị khắc vào bức tường chiến tranh Việt Nam ở Washington lẫn giữa 58.267 linh hồn lính trận mà đã được tô đậm trên những bài thơ làm rưng rưng nước Mỹ: Những bài thơ ngợi ca “kẻ thù” mình. Ông đã cất lên những bài ca hòa bình mang khát vọng không của chỉ riêng mình và vì thế nó đủ sức lay động từ hai phía.
Sau chiến tranh, những cựu chiến binh Mỹ như Bruce Weigl trở lại Việt Nam, đất nước mà họ từng ném bom, bắn phá, mở nhiều cuộc hành quân tìm và diệt những người yêu nước. Cái họ được nhận không phải là hận thù mà là sự độ lượng bao dung. Một không khí yên bình bao trùm lên đất nước này và họ nhận được từ đó những xao xuyến thân quen, gần gũi: Nhưng tôi không cảm thấy xa lạ / Trong chính ngôi nhà đất nước tôi đã nỗ lực bỏ bom / để nó thành cát bụi (Cuộc đời cô lá cờ lụa đỏ).
Tình cảm của Bruce Weigl dành cho Việt Nam rất thành thật. Thành thật yêu quý, thành thật hối hận. Không sự hối hận nào có thể trả lại sự sống cho những người vô tội bị giết chết / không giọt nước mắt nào có thể gột sạch quá khứ / không lời nào có thể trồng lại màu xanh cho một thành phố bị đốt cháy…(Cuộc đời cô lá cờ lụa đỏ). Ăn năn hối hận bao nhiêu thì tình yêu của họ dành cho Việt Nam càng đẹp đẽ bấy nhiêu.
Trong một ban mai dịu dàng bên hồ sen, Bruce Weigl nhận ra vẻ đẹp và sức sống Việt Nam qua những hình ảnh bình dị: Sau một đêm không ngủ, tôi nghe tiếng chim dìu ban mai / về trên mặt hồ bằng tiếng hát / Trên những chiếc thuyền nan / Những người hái sen chèo ra xa giữa những bông hoa trắng muốt được ngắt ra / nhưng sẽ lại dâng lên sự sống (Cuộc đời cô lá cờ lụa đỏ)…
Nhưng hình như chưa đủ, chưa đúng như mong ước của chúng ta. Còn đường hòa giải, hòa hợp còn những gập ghềnh, chông gai, những hố ngăn cách. Vẫn còn đó những kẻ thù địch không chịu nhìn vào sự thật, rắp tâm chống phá công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Vẫn còn đó những ngộ nhận, hiểu lầm, những rụt rè, e ngại. Chúng ta đừng bao giờ quên tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.
Giá trị, ý nghĩa lịch sử của ngày 30- 4- 1975 càng nâng cao nếu chúng ta thực hiện đúng lời Bác Hồ dặn. Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một trong những mục tiêu cũng là động lực quan trọng của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện thành công điều đó, chúng ta mãi mãi là Người chiến thắng.
Nguyễn Hữu Quý-Báo Bắc Giang
Không có nhận xét nào