Recent comments

ads header

Chủ đề "hot"

Tại sao bố mẹ không chịu hiểu cho con?

Góc phố quen thuộc của tuổi thơ.
Hôm trước có viết bài "Các bạn tôi đang (nói về) hạnh phúc...", sáng hôm sau dậy đọc lại thì cảm thấy nó khá "ngắn não" và vô trách nhiệm. Chăng cũng là từ hợp để miêu tả bản thân bây giờ.

Dành cho các trẻ trâu từ 13 tuổi trở lên, hoặc tùy.

"Trưởng thành là một quá trình đau đớn, và chuyển giao thế hệ thì là một chuỗi những màn trình diễn tồi tệ", một nhà văn đã đăng trạng thái như thế trên trang cá nhân của mình.
Lướt qua danh sách những cuốn sách bán chạy nhất trên trang điện tử online Tiki.vn, ta có thể bắt gặp những cuốn sách hướng dẫn phương pháp nuôi dạy con, như: "Để con được ốm" hay "Nuôi con không phải là cuộc chiến" lần lượt chia sẻ vị trí số 37 và 38 trong danh sách Best Seller Tháng tính đến ngày 17 tháng 7 năm 2018. Hay gần đây có cuốn "Khi mây đen kéo tới" có vẻ cũng đang tạo một số hiệu ứng nhất định trong cộng đồng đọc sách ở Việt Nam. Hay dễ dàng hơn, khi ta bước ra các nhà sách, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cuốn sách giúp các bậc phụ huynh hiểu thêm về con trẻ, về lứa tuổi teen đầy biến động trong tâm sinh lí. 
Không hiểu sao font nó bị mờ thế...
Thân thuộc hơn, khi rảnh rỗi lướt trên mạng xã hội, không khó để nhiều người trong chúng ta bắt gặp mong ước cha mẹ hiểu mình hơn của không ít người, rằng giá như bố mẹ mình hiểu cho mình hơn, mình đã không như thế này, rằng giá như tôi có người mẹ tâm lí như trong bài đăng, vân vân và mây mây. Hoặc chính chúng ta, người đang gõ phím, hay người đang đọc, hay đâu đó, đã có lúc mong rằng bố mẹ hiểu mình hơn.
Nhưng câu hỏi mình muốn đặt ra trong bài nhất, không phải là câu hỏi trong cái ảnh có con mèo phía trên, mà là: 

TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG CHỊU HIỂU CHO BỐ MẸ?


Tại sao chúng ta nên hiểu cho bố mẹ?

Vì, thực ra, bố mẹ cũng chỉ là con người thôi mà. "Nhân vô thập toàn" là triết lí đúng đắn được người xưa đúc kết.
Và bố mẹ cũng từng được nuôi dạy, bởi đời, và cả ông bà, vốn cũng "vô thập toàn"; ông bà thì được nuôi dạy bởi đời, và các cố, vốn cũng "vô thập toàn"... Cứ tiếp tục quy hồi vô tận mãi như thế. Nên việc bắt bố mẹ hay người lớn hiểu mình không phải là cách hay. 
Và con người là sinh vật sống cộng đồng.
Câu phía trên có 2 ý:
- Bố mẹ cũng chịu ảnh hưởng, tác động và áp lực của xã hội.
- Bố mẹ lẫn con cái đều tác động qua lại lẫn nhau.
Việc bố mẹ bị tác động bởi xã hội là điều dễ nhận thấy (tuy để hiểu tường tận thì khác, mình cũng không hiểu lắm). Để sống có quy tắc và dễ dàng quản lí hơn, thì con người có những thang đo về đạo đức, phẩm chất, hành vi... nhất định. Bạn bè bố mẹ vẫn đánh giá bố mẹ qua nhà cửa, tiền tài, con cái, quan hệ vợ chồng,... (Cũng giống như việc nhiều người trẻ nay đánh giá người khác thông qua giày auth hay fake, mặc áo của các brand có tiếng hay hàng chợ...). Bố mẹ, cũng là người, và cũng có những nhu cầu nhất định về sự được công nhận. Khi đã sống đến tầm tuổi đấy, số lượng người muốn sống khác biệt chỉ còn là một con số rất nhỏ. Bố mẹ muốn được tự hào về ta, và được người khác ngưỡng mộ họ thông qua con cái họ, âu cũng không có gì quá sai trái. Giá trị của họ cũng được đánh giá thông qua ta khá nhiều. Đó là một điều hay ho, hoặc đau lòng. Nhất là những người có danh tiếng nhất định trong cuộc sống, sẽ càng trọng danh dự hơn.
Chẳng như, khi ta là một đứa con gái, nhưng ăn mặc và cắt tóc như một đứa con trai. Có thể bạn bè không quá đánh giá ta. Nhưng khi ta đi cùng bố mẹ gặp đồng nghiệp của họ, hay chăng là họ hàng lạ lạ, họ sẽ thầm hỏi, liệu bố mẹ đã nuôi chúng ta như thế nào mà bây giờ trông chúng ta như đứa "dở người" như vậy. Hay khi ăn nói bỗ bã, người ta lại hỏi về việc bố mẹ đã đào tạo chúng ta như thế nào...
(Nhưng thực ra có vài trường hợp không dạy nổi, như mình...)
Bố mẹ, đa phần, đều yêu thương chúng ta, theo cách của họ. Điều đấy cũng không hẳn là sai. Họ muốn những thứ mà họ cho là tốt nhất cho chúng ta: trường học tốt nhất vùng, cái kính cận tốt nhất, một cuộc sống ổn định,... Nhưng với ngọn lửa trẻ và đôi cánh muốn bay khắp mọi vùng trời, nhiều người muốn làm khác đi, muốn vùng vẫy, muốn thử thách giới hạn của bản thân. Điều đấy cũng chẳng sai. 
Chỉ là, thông cảm cho bố mẹ một tí, chẳng phải cũng chính là ta cũng đang tự giải thoát chính mình sao?
Bên cạnh đó, chả ai thích sự ương bướng cả. Sự tức giận, ương bướng hầu như chỉ kích thích điểm đó ở đối phương. Giả sử bạn làm nhân viên phục vụ cho một quán cà phê, liệu rằng bạn sẽ dễ chịu hơn với một khách hàng sỗ sàng gọi bạn và thúc giục công việc chất chồng hay một người nhẹ nhàng gọi và kiên nhẫn chờ đợi hơn? Khi chúng ta ương bướng, điều đó vô tình kích thích sự khó chịu ở bố mẹ, để rồi họ nói và làm những điều "mất khôn". 
Nên, đôi khi, thay vì chờ bố mẹ hiểu cho mình, sao không thử hiểu cho họ một chút thôi nhỉ?
Bố mẹ so sánh chúng ta với "con nhà người ta", vì bố mẹ muốn được như "nhà người ta".
Mỗi người đều có những vấn đề và khó khăn riêng, không thể vì họ là bố mẹ ta, hay vì họ lớn hơn ta, mà ta trách rằng họ không hiểu ta, để đáp ứng, hoặc khiến ta cảm thấy dễ chịu. Có một số người bảo, cái khoảng cách thế hệ lớn như vậy, làm sao ta có thể hiểu được bố mẹ, trong khi bố mẹ đang sống ở thời mà ta sống, bố mẹ đáng nhẽ phải là người hiểu ta chứ. Cũng không hẳn. Bởi họ cũng là kết quả của sự [được] đào tạo [từ gia đình và xã hội].
Và cái lí do có lẽ là lớn nhất, trách họ chẳng hiểu ta cũng chẳng làm họ hiểu ta hơn mà cũng chẳng làm ta tiến bộ hơn.

Nếu trách họ, chăng ta đang trách cả xã hội? Và thế thì được gì? Ta có những góc nhìn nhận nhất định về [sự bất công trong] xã hội, nhưng từ đó, để đưa ra giải pháp, chứ không phải ngồi "tặng gạch xây nhà" cho người ta.

Tại sao bố mẹ nên hiểu cho con?

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi bố mẹ đã sinh ra chúng ta, bố mẹ có trách nhiệm cần nuôi nấng chúng ta trong phạm vi nhất định. Chúng ta không thể phủ nhận sự tác động của giáo dục từ phụ huynh, nhất là ảnh hưởng từ 3 năm đầu đời vốn mang tính định hình khá lớn. 
Vả lại, kinh nghiệm: đó là thứ họ có nhiều hơn ta. Và kiến thức cũng vậy. Đó là một điều kiện khiến họ cần chịu nhiều trách nhiệm hơn ta. Trong khi, một đứa trẻ mới sống được từ 13-20 năm cuộc đời, trải nghiệm thường chưa đủ nhiều chiều, vốn là thế mạnh nhưng cũng là nhược điểm trong góc nhìn lẫn xu hướng hành động của nhiều người trong giới trẻ.
Nhưng như lí do đã nêu, "nhân vô thập toàn", ta không thể yêu cầu và đòi hỏi nhiều từ họ được.

Ta có thể làm gì?

Bản thân người viết hiện tại chưa có một câu trả lời thực sự rõ ràng và chi tiết cho câu hỏi này. Hiện tại, chúng ta có thể cảm thông, với bố mẹ hơn, bớt cáu giận, bớt đòi hỏi. Và cả "bơ" nếu cần thiết.

Tóm lại

Trước khi muốn bố mẹ bình tĩnh hiểu mình, chúng ta có lẽ nên (tỏ vẻ) hiểu cho họ (những nhu cầu và yêu cầu) trước, để mọi thứ có thể được giải quyết nhẹ nhàng hơn.

Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân và mong có thể đọc được một số góc nhìn khác. Vì bản thân phụ huynh mình tốt, và mình vẫn là đứa có vấn đề, một trong số đó là chỉ biết ngồi nghĩ linh tinh và nỏi.
Theo Dahildu Negu từ spiderum.com

Không có nhận xét nào